Những cây cầu không chỉ là mối liên kết giữa 2 bờ sông hay 2 vùng đất, thành phố mà còn là những kiệt tác tuyệt đẹp của kỹ thuật, kiến trúc.
Cầu Luis 1, Porto, Bồ Đào Nha: Cầu Luis được khánh thành vào năm 1886, dài 395 m và rộng 8 m, bao gồm 2 sàn sắt chồng lên nhau, được coi là biểu tượng của Porto. Du khách có thể ghé thăm cây cầu, đi xuống sàn dưới để đến Vila Nova de Gaia hoặc đứng ở sàn trên ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Người thiết kế cây cầu là kỹ sư Teófilo Seyrig. Ngày nay sàn trên của cây cầu là đường tàu điện ngầm Porto, kết nối khu vực nhà thờ Porto với vườn Morro và đi đến đại lộ Avenida ở Vila Nova de Gaia. Ảnh: European Best Destinations.
Cầu cạn Millau, Aveyron, Pháp: Via Millau là cầu dây văng bắc qua thung lũng sông Tarn gần Millau, miền nam nước Pháp. Đây là cây cầu cao thứ 12 trên thế giới, cách mặt đất 270 m, có cột buồm cao tới 343 m. Cầu cạn Millau là một phần của trục từ Paris đến Montpellier, có chi phí xây dựng xấp xỉ 470 triệu USD, được chính thức khánh thành vào ngày 14/12/2004 và thông xe ngày 16/12. Cầu đã được xếp hạng là một trong những thành tựu kỹ thuật tuyệt vời của mọi thời đại. Ảnh: Valeriiaarnaud/Shutterstock.
Cầu dây xích, Budapest, Hungary: Cầu dây xích Széchenyi là cầu treo bắc qua sông Danube giữa Buda và Pest, phía tây và phía đông của Budapest, thủ đô của Hungary. Người thiết kế cây cầu là kỹ sư người Anh, William Tierney Clark. Széchenyi là chiếc cầu vĩnh cửu đầu tiên bắc qua sông Danube ở Hungary, được khánh thành vào năm 1849. Ảnh: AndrasKiss.
Cầu Rialto, Venice, Italy: Cầu Rialto (Ponte di Rialto) là một trong 4 cây cầu bắc qua kênh đào Grand ở Venice, Italy. Cầu Rialto là đường phân chia giữa San Marco và San Polo và là cây cầu cổ nhất bắc qua kênh Grand. Ảnh: Canadastock.
Cầu Chapel, Lucerne, Thụy Sĩ: Cầu Chapel được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 14, là một phần của pháo đài thành phố. Trên cầu có các bức tranh được được treo từ thế kỷ 17 minh họa cảnh đẹp của Thụy Sĩ và lịch sử địa phương, bao gồm tiểu sử của các vị thánh bảo vệ thành phố, St. Leodegar và St. Maurice. Ảnh: Benjaa.
Cầu cổ Stari Most, Mostar, Bosnia và Herzegovina: Stari Most được xây dựng lại từ một cây cầu Ottoman thế kỷ 16 ở thành phố Mostar, bắc qua sông Neretva và kết nối 2 phần của thành phố. Cây cầu đã tồn tại 427 năm, cho đến khi bị lực lượng Croat phá hủy vào ngày 9/11/1993 trong chiến tranh Croat-Bosniak. Sau đó, một cây cầu mới được xây dựng và mở cửa vào ngày 23/7/2004. Cây cầu được coi là một trong những điểm nổi bật nhất của đất nước, đồng thời là mô hình kiến trúc Hồi giáo điển hình ở Balkans, do Mimar Hayruddin thiết kế. Ảnh: Fotokon.
Cầu Pont de Rohan, Finistere, Pháp: Pont De Rohan là một trong số ít những cây cầu có người ở trên thế giới. Cây cầu ở Landerneau này có các cửa hàng, nhà hàng và nhà cửa và là một trong những cây cầu có người ở cuối cùng được xây dựng ở châu Âu. Cây cầu bằng đá này được xây dựng từ năm 1510, theo lệnh của Viscount de Rohan và đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 500 vào năm 2010. Ảnh: Rolf E.
Cầu Vasco da Gama, Lisbon, Bồ Đào Nha: Cầu Vasco da Gama là một cây cầu dây văng, bắc qua sông Tagus ở Parque das Nações ở Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha. Đây là cây cầu dài nhất ở châu Âu với tổng chiều dài 17,2 km. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 2/1995, cầu được thông xe vào ngày 29/3/1998, trong thời gian diễn ra hội chợ Expo 98, kỷ niệm 500 năm Vasco da Gama khám phá ra tuyến đường biển từ châu Âu đến Ấn Độ. Ảnh: Henrique Silva.
Cầu Pont du Gard, Gard, Pháp: Pont du Gard là một cây cầu 3 tầng, dẫn nước của La Mã cổ đại đi qua sông Gardon ở Vers-Pont-du-Gard gần Remoulins, thuộc quận Gard của miền Nam nước Pháp. Đây là một phần của đường ống dẫn nước Nîmes dài 50 km được người La Mã xây dựng để mang nước từ một con suối vào Uzès tới thuộc địa La Mã Nemausus (Nîmes). Cây cầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên và tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay, Pont du Gard đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1985. Ảnh: Kavram.
Theo Oanh Vũ/Zing/European Best Destinations