Biên giới Pháp – Thụy Sĩ chạy qua khách sạn Arberz nên khi nằm trên giường, đầu bạn đặt một nơi còn chân ở nước còn lại.
Ngoại trừ việc đứng trực tiếp ở đường biên giới các nước thì ba địa điểm độc đáo dưới đây là những nơi bạn có thể cùng lúc ăn uống, vui chơi, sinh hoạt tại hai quốc gia theo đúng nghĩa đen.
Khách sạn Arbez Franco-Suisse
Arbez Franco-Suisse là khách sạn duy nhất trên thế giới nằm trên đường biên giữa Pháp – Thụy Sĩ. Các phòng ăn, bếp, cửa hàng bán đồ lưu niệm, hành lang, ngủ, cầu thang… đều có đường biên giới chạy qua, chia đôi những khu vực này.
Khách sạn có hai phòng ngủ sở hữu vị trí đặc biệt. Khi khách nằm trên giường, phần đầu thuộc lãnh thổ nước Pháp, nhưng phần chân lại đang nằm trên đất Thụy Sĩ. Ở một căn phòng khác, giường của bạn nằm ở phần đất của Thụy Sĩ nhưng nếu muốn đi toilet, bạn phải chạy sang đất Pháp.
Cũng chính vì vị trí độc đáo này mà nó từng có lịch sử thú vị, liên quan tới chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Khi đó, Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, trong khi Thụy Sĩ là nước trung lập. Binh lính Đức có thể ra vào mọi nơi trên nước Pháp “tự nhiên như ở nhà”, nhưng không thể làm điều tương tự trên đất Thụy Sĩ.
Khi vào khách sạn Arbez Franco-Suisse, quân phát xít chỉ có thể tiếp cận những căn phòng thuộc về phần đất của Pháp. Những người tị nạn đã lợi dụng sơ hở này để trốn lên những căn phòng trên tầng hai khách sạn. Do khách sạn chỉ có một cầu thang đi lên tầng hai, mà cầu thang này cũng bị chia làm đôi nên lính Đức chỉ bước lên được vài bậc cầu thang thuộc lãnh thổ Pháp, và không thể lên trên. Vì vậy, những người tị nạn đã sống sót an toàn.
Thị trấn Baarle
Đường biên giới zích zắc chia đôi hai thị trấn Baarle-Hertog thuộc Bỉ và Baarle-Nassa thuộc Hà Lan được đánh giá là “điên rồ nhưng thú vị nhất thế giới”. Sở dĩ nó được chia theo cách kỳ lạ này vì đất của hai thị trấn nằm lẫn trong lòng nhau. Tại Hertog vẫn có những khu vực thuộc đất của Nassa và ngược lại. Cụ thể, có 24 khu vực thuộc nước Bỉ nằm ở Hà Lan và 6 khu vực của Hà Lan tọa lạc tại Bỉ.
Đây cũng là nơi mà người dân thường phải “phân thân” ở hai quốc gia mỗi ngày, bởi nhiều nhà cửa trước nằm trên đất Hà Lan nhưng cửa sau lại trên đất Bỉ. Trên tấm biển ghi số nhà của mỗi người dân đều cắm một lá cờ để mọi người có thể dễ dàng biết được thuộc lãnh thổ của quốc gia nào. Nhiều ngôi nhà ở đây có đường biên chạy thẳng qua. Nếu bạn bấm chuông cửa ở phía bên trái, bạn đang đứng trên đất Bỉ, nếu đứng bên phải bạn đang bấm chuông ở một nước khác.
Du khách khi đi dạo trên hai thị trấn này có thể phải vượt qua biên giới Bỉ 30 lần một ngày để sang đất Hà Lan, và ngược lại. Việc bạn đi dạo trong một công viên thuộc Hà Lan nhưng 4 mặt xung quanh nó lại nằm trên đất Bỉ là điều rất bình thường ở đây.
Nhiều người cho biết trải nghiệm đứng cùng lúc trên hai quốc gia rất thú vị. “Hãy thử nghĩ mà xem, trước khi bước vào cửa hàng bạn đang đứng ở một quốc gia, và chỉ cần đẩy cánh cửa bước vào trong, bạn lại thuộc lãnh thổ của nước khác”, một du khách từng tới thị trấn Hertog chia sẻ.
Thư viện Haskell
Thư viện và nhà hát Opera Haskell nằm ở cả hai thị trấn Stanstead, Canada và Derby Line, Mỹ. Ở tầng một có một đường biên giới chạy qua, chia đôi hai nước. Lối vào chính của thư viện nằm ở Mỹ, còn hầu hết nơi để sách lại nằm ở đất Canada. Do vậy, Haskell được biết đến là thư viện duy nhất của Mỹ không có sách.
Tương tự, nhà hát Opera đặt trên tầng hai có phần ghế ngồi xem nhạc kịch đặt ở đất Mỹ, sân khấu nằm ở Canada. Do đó, nó cũng được biết đến với tên gọi “nhà hát duy nhất ở Mỹ không có sân khấu”.
Khi du khách đến tham quan, họ không bắt buộc phải đưa hộ chiếu để đóng dấu xuất nhập cảnh, cũng như không cần trưng các giấy tờ cho việc thông quan. Tuy nhiên, trên trang web của Haskell luôn nhấn mạnh đường phân cách bên trong tòa nhà là có thật, và nó buộc du khách phải tuân thủ luật lệ nghiêm túc. Điều đó có nghĩa bạn là người nước nào, phải trở về đúng nước đó khi ra khỏi tòa nhà. Nếu vi phạm, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ, phạt tiền.
Theo Anh Minh / VNExpress