Trong tháng 5 vừa qua, tại Paris đã diễn ra một cuộc thi bánh mì ngon. Đây là sự kiện được rất nhiều người quan tâm bởi người thắng cuộc có vinh dự trở thành nhà cung cấp bánh mì cho phủ tổng thống (điện Elysée) trong vòng một năm.
Bánh mì dài – một biểu tượng của nền ẩm thực Pháp
Bánh mì dài (baguette) là một biểu tượng của nền ẩm thực Pháp. Bánh mì dài được bán từ ở siêu thị, chợ phiên cho tới các tiệm bánh mì, bánh ngọt ở khắp các khu phố. Hình ảnh một người Pháp – từ các ông bà lão cho tới thanh niên, tay cầm chiếc bánh mì dài đi bộ trên phố, các em nhỏ được bố mẹ bẻ cho một mẩu bánh, vừa đi vừa ăn ngon lành – không phải là hiếm thấy ở khắp nơi trên nước Pháp.
Để vinh danh những người thợ làm bánh mì, hàng năm tại Paris, cứ vào mùa xuân, mỗi năm 1 lần, liên tục trong suốt 23 năm qua, kể từ năm 1994, cuộc thi bánh mì baguette theo kiểu thủ công, truyền thống ngon nhất Paris lại được tổ chức. Đến hẹn lại lên, cuộc thi năm nay diễn ra vào ngày 04/05 với sự tham gia của gần 200 thợ làm bánh theo phương pháp thủ công, truyền thống. Cuộc thi do thành phố Paris phối hợp với nghiệp đoàn thợ làm bánh mì – bánh ngọt thủ công của Paris và các vùng phụ cận (Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis và Val de Marne) tổ chức.
« Bánh mì của tổng thống Pháp »
Năm 2017, giải thưởng thuộc về thợ làm bánh Sami Bouattour, tiệm bánh Brun, số 193 phố Tolbiac, quận 13 – Paris. Đây không phải lần đầu tiên Sami Bouattour tham gia cuộc thi bánh mì baguette. Năm 2015, Sami Bouattour đã đoạt giải nhì. Phần thưởng dành cho người chiến thắng theo thông lệ là 4.000 euro, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là tiệm bánh được cung cấp bánh mì baguette cho phủ tổng thống trong vòng 1 năm.
Vậy là, anh Sami Bouattour sẽ là thợ làm bánh đầu tiên có vinh dự phục vụ bánh mì suốt năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Emmanuel Macron, người mới đắc cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017 và cũng là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Không những vậy, anh Sami Bouattour còn được làm bánh phục vụ tổng thống mãn nhiệm François Hollande trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông. Được phục vụ bánh mì cho hai tổng thống, đó là một vinh dự mà không phải mấy thợ làm bánh có được !
Theo quy định của cuộc thi, người đoạt giải nhất còn được làm thành viên danh dự trong ban giám khảo cuộc thi năm sau. Và đương nhiên, cùng với giải thưởng, khách hàng sẽ đổ xô đến mua bánh. Uy tín của người thợ làm bánh cùng danh tiếng, lợi nhuận của tiệm bánh sẽ ngày càng tăng. Chẳng hạn, tờ báo Le Parisien (Người Paris) cho biết, sau khi thợ làm bánh Djibril Bodian ở tiệm bánh Grenier à Pain (số 38 phố Abbesses) đoạt giải năm 2010, doanh thu của tiệm đã tăng 30%.
Còn Anh Pascal Barillon, người thắng cuộc năm 2011 cũng chia sẻ : « Đương nhiên là doanh thu của tiệm tăng. Khách hàng rất hiếu kỳ. Họ tới và hỏi mua bánh baguette của tổng thống. Họ gọi như vậy đấy ! Đó không còn là bánh của chúng tôi nữa, mà là bánh mì baguette của tổng thống. »
Một người dân Pháp đi bỏ phiếu bầu Tổng thống với chiếc bánh mì baguette trên tay. Hình : REUTERS / Robert Pratta
Vài nét về cuộc thi bánh mì ngon nhất
Hội đồng giám khảo gồm 15 thành viên, trong đó có 9 người hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực có danh tiếng hay đại diện cho các hiệp hội ngành nghề liên quan tới ẩm thực. Ngoài ra, còn có 6 người dân Paris được thành phố chọn làm thành viên ban giám khảo bằng cách bốc thăm trong số 400 người đăng ký.
Chủ tịch ban giám khảo là trợ lý của thị trưởng Paris, phụ trách về thương mại, sản xuất thủ công truyền thống và các ngành nghề tự do. Trong ban giám khảo cuộc thi năm nay, có ông Christian Le Lann – chủ tịch hiệp hội AFPTS (Association Française pour la Promotion des Terroirs et des Saveurs) chuyên bảo vệ và quảng bá cho các sản phẩm ẩm thực truyền thống của các vùng miền của nước Pháp, ông Claude Maret – thợ làm pho-mát và chủ tịch liên đoàn các nhà sản xuất pho-mát của Pháp, ông Guillaume Gomez – đầu bếp trưởng của phủ tổng thống Pháp và anh Florian Charles, ở tiệm bánh La Parisienne (số 48 phố Madame, quận 6 Paris). Anh Florian Charles, cùng với Micheal Reydelet đồng đoạt giải thợ làm bánh baguette ngon nhất trong cuộc thi năm 2016.
Bánh mì phải được làm ngay tại tiệm và tiệm bánh phải gửi hai chiếc đến địa điểm tổ chức cuộc thi trong khoảng thời gian 10h30-13h. Bánh được bọc kín trong gói giấy không có dấu hiệu đặc biệt bên ngoài, kèm theo họ tên thợ làm bánh, tên và địa chỉ tiệm bánh. Năm nay, có 187 thợ làm bánh dự thi, nhưng có 46 thí sinh bị loại vì không đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc thi. Chỉ còn 141 thí sinh được chính thức dự thi.
Những chiếc bánh mì baguette dự thi đều phải có độ dài 55-65cm, nặng 250-300g. Lượng muối theo quy định là dưới 18g/100g bột mì. Mọi loại phụ gia và chất điều vị đều bị cấm. Bánh mì dài dự thi được đánh giá về năm nội dung : độ chín của bánh, mùi thơm, vị bánh, ruột bánh và hình dáng chiếc bánh. Mỗi nội dung được chấm điểm từ 1 tới 4. Tổng điểm tối đa là 20.
Ông Guillaume Gomez, bếp trưởng của phủ tổng thống Pháp, thành viên ban giám khảo năm 2017 đánh giá : « Hình dáng bên ngoài của bánh rất quan trọng. Tôi thích bánh nướng chín kỹ. Ăn bánh chưa chín thì chẳng khác gì ăn bột sống trộn với nước. Bánh chín kỹ sẽ có màu nâu hạt dẻ. Đường khía trên mặt bánh rất quan trọng. Đó là « chữ ký » của thợ làm bánh. Đó không phải phong cách mà là « danh tính » của bánh. Và cuối cùng, phải nói tới vị ngon của bánh. Tất cả đều phục vụ vị giác : người ta không mua bánh mì để treo lên hay để trang trí rồi chụp ảnh. Bánh mì phải thật ngon trước đã ! »
Anh Jocelyn Lohezic, đã hai năm được xếp thứ hạng cao trong cuộc thi, chia sẻ : « Rất khó để tạo nên sự khác biệt với những người khác chỉ bằng bốn nguyên liệu là bột mì, nước, một chút muối và bột nở. Tất cả chỉ có từng đó nguyên liệu. Bất cứ ai cũng có thể làm bánh mì. Nhưng không phải chiếc bánh nào cũng giống nhau. Có cái baguette dở tới mức không thể ăn nổi, những cũng có bánh vô cùng ngon. Lại có cả chiếc bánh ngon tuyệt hảo, cứ ăn không, chẳng cần phết bơ đã thấy ngon rồi. Điều này khiến người ta thích thú. Nhất là mỗi mẻ bánh đều khác nhau, không lần nào giống lần nào. »
Muốn làm ra một chiếc bánh ngon, người thợ phải toàn tâm, toàn ý vào mọi khâu trong quá trình làm bánh. Đây là điều anh Hami Méxème, thợ làm bánh có thâm niên 27 năm chia sẻ : « Tôi chú ý tới từng bước khi làm bánh, từ thời gian nướng, thời gian ủ bột… tất cả mọi khâu. Tôi phải nói thật là tôi rất nhớ con gái, vì lúc nào tôi cũng bận bịu, không chỉ vì làm bánh mì, nhưng có thể nói rằng bánh mì cũng như đứa con thứ hai của tôi vậy. »
Những chiếc bánh mì dài được gửi tới tham gia dự thi năm 2017
Kể từ khi cuộc thi được tổ chức lần đầu năm 1994 tới nay, quận 18 Paris là quận có nhiều thợ làm bánh giỏi nhất (8 lần đoạt giải nhất). Đứng thứ hai là quận 17 (hai lần đoạt giải nhất). Có ba người từng đoạt giả nhất hai lần. Người gần đây nhất chiến thắng hai lần (năm 2010 và 2015) là anh Djibril Bodian, thợ làm bánh của tiệm Grenier à Pain, số 38 phố Abbesses. Lần đầu đoạt giải năm 2010, anh Djibril Bodian, người Pháp gốc Sénégal, mới 33 tuổi. Anh Djibril Bodian bắt đầu làm thợ học việc ở tiệm bánh Grenier à Pain vào năm 2004. Chỉ sau mười một năm, anh được thăng chức làm quản lý tiệm bánh và đã hai lần nắm trong tay giải thưởng danh giá mà mọi thợ làm bánh mì baguette truyền thống đều ao ước.
Sau chiến thắng lần hai (năm 2015), anh Djibril Bodian chia sẻ : « Từ lâu nay, tôi vẫn muốn thử lại vận may. Tham dự thi lần thứ hai làm tôi rất vui. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ có thể chiến thắng thêm một lần nữa, mặc dù tôi biết bánh mì baguette tôi làm ngon vô cùng ! Thông điệp mà tôi muốn gửi tới những người muốn đi theo nghiệp làm bánh mì theo kiểu thủ công, truyền thống là : Các bạn hãy cứ làm việc ! Phải thật kiên trì ! Rồi sẽ tới ngày các bạn được nhận phần thưởng xứng đáng ! »
Biểu tượng của nghề thủ công, truyền thống của Pháp
Nói về vai trò của cuộc thi và giá trị của nghề làm bánh mì baguette kiểu thủ công, truyền thống ngon nhất, theo anh Florian Charles, đồng giải nhất cuộc thi năm 2016 – một thành viên Ban giám khảo cuộc thi Bánh mì baguette thủ công ngon nhất năm 2017, cuộc thi là một biểu tượng cho nghề thủ công, truyền thống của nước Pháp và « nghề làm bánh mì là nghề tiêu biểu cho các giá trị của nước Pháp. Đối với người nước ngoài, bánh mì là một biểu tượng thực thụ của nước Pháp. Vì thế, cần đề cao giá trị nghề làm bánh mì kiểu thủ công truyền thống. Đó là một nghề vất vả, nhưng đầy đam mê. »
Còn anh Pascal Barillon, người thắng cuộc năm 2011 phát biểu : « Chúng ta đã có nhiều phóng sự, nhiều chương trình truyền hình phát khắp nơi trên thế giới. Chúng ta giới thiệu bánh mì. Đó là di sản của chúng ta. »
Bánh mì dài, một loại bánh được người dân Pháp ăn hàng ngày quả đúng là một biểu tượng của nước Pháp. Với niềm đam mê, tài năng của những người thợ làm bánh mì thủ công truyền thống như anh Djibril Bodian, anh Hami Méxème…, hương vị thơm ngon đậm chất Pháp của chiếc bánh mì baguette sẽ luôn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Theo RFI
Thưởng thức bánh mỳ pháp , một trong những loại độc đáo nhất trên thế giới