Sau hơn một năm bị dịch Covid-19 làm xáo trộn, ngành du lịch Pháp bắt đầu hoạt động trở lại với việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào mùa hè năm 2021. Tuy nhiên, tại những nơi thường thu hút đông đảo du khách quốc tế, tình hình vẫn còn khá bấp bênh.
Sau hơn 8 tháng ngưng hoạt động, Tháp Eiffel đã được mở cửa trở lại đón khách tham quan kể từ cuối tuần qua (16/07). Công trình kiến trúc đồ sộ biểu tượng của nước Pháp đã được nâng cấp cùng với nhiều điểm tham quan khác hầu chuẩn bị kịp thời đón khách du lịch mùa hè, kể từ đầu tháng 07/2021. Không gian triển lãm ”phù du” của Viện bảo tàng Grand Palais được khánh thành trên quảng trường Champs de Mars, cửa hàng lớn Samaritaine với đường viền bích họa theo phong cách Art Nouveau (Nghệ thuật mới) cũng vừa được khai trương lại, sau hơn 15 năm trùng tu.
Paris tận dụng phong tỏa để tân trang diện mạo
Nhìn chung, các góc phố Paris đã có nhiều thay đổi quan trọng. Hầu hết các bảo tàng tại Paris đã tận dụng thời kỳ phong tỏa để tân trang diện mạo, điển hình là hai Viện bảo tàng lịch sử Carnavalet và bảo tàng thời trang Galliera, sau nhiều năm đóng cửa. Riêng bộ sưu tập nghệ thuật của nhà tỷ phú Pháp François Pinault được trưng bày lần đầu tiên tại tòa nhà Bourse de Commerce. Tất cả các điểm tham quan này đều không bị hạn chế về số lượng khách vào xem, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của Tháp Eiffel, chỉ có thể tiếp đón 50% khách, do các quy định giãn cách an toàn áp dụng trong thang máy và đại đa số du khách ít khi nào muốn đi bộ lên các tầng cao nhất.
Có thể nói là sau khi bị thất thu trong suốt mùa du lịch năm ngoái, hầu hết các ngành phục vụ đều đã được chuẩn bị xong mùa hè năm nay để không mất thêm doanh thu. Thông thường, thủ đô Paris thu hút 30 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Tính thêm các vùng phụ cận trong đó có Versailles, con số này lên tới hơn 50 triệu lượt khách trong vùng Île-de-France. Vấn đề ở đây là nếu như các rạp chiếu phim và hàng quán ở Pháp có thể sống nhờ khách nội địa, thì đổi lại các điểm tham quan chủ yếu dành cho khách quốc tế vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn rủi ro.
Tại Paris, du khách châu Âu được xếp vào hạng láng giềng với những thói quen tiêu dùng không khác gì cho lắm so với người Pháp. Ngược lại, khách đến từ Mỹ, Brazil, Nga Ấn Độ hay Trung Quốc tuy không đông đảo bằng khách châu Âu, nhưng có lẽ cũng vì họ là khách từ phương xa, không phải năm nào cũng được dịp đến Paris, cho nên thường có tâm lý “xài sang” hơn.
Doanh thu nhờ vào thành phần du khách phương xa cao gấp đôi so với khách châu Âu, ngành du lịch tạo 15% số việc làm và doanh thu tương đương với 13% GDP của thành phố Paris.
Ngành du lịch ở Paris giảm 75% doanh thu
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tất cả các nghề chuyên phục vụ du khách : doanh thu ngành du lịch ở Paris giảm gần 75%, từ 22 tỷ euro năm 2019 xuống còn 6 tỷ euro năm 2020. Điều đó giải thích vì sao mùa hè năm nay, thủ đô Pháp lại càng trông chờ vào việc tiếp đón khách nước ngoài, hy vọng rằng kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa, song song với các chiến dịch tiêm chủng vác-xin sẽ giúp phục hồi các hoạt động kinh tế và đặc biệt là thu hút du khách nước ngoài trở lại.
Tính trung bình, mỗi du khách Trung Quốc chi hơn 1.000 euro cho các chuyến lưu trú 3 ngày đi theo đoàn, không tính các chi phí di chuyển (trong khi khách Mỹ chi 900 euro). Cho những kỳ nghỉ dài hơn, du khách Trung Quốc có thể chi tới 4.000 euro trong một tuần theo khảo sát của ngân hàng China Union Pay, mức chi tiêu này cao hơn cả các chuyến đi Ý, Thụy Sĩ hay Singapore.
Theo các số liệu gần đây nhất của Sở Du lịch Paris, nhiều dấu hiệu dự báo mùa hè năm nay sẽ khá ảm đạm. Số lượng du khách nước ngoài trong tháng 5 và tháng 6 chỉ đạt tới mức 35% so với cùng thời kỳ năm 2019. Dựa vào các số liệu đặt phòng khách sạn, thủ đô Paris theo dự kiến sẽ tiếp đón tổng cộng 3,6 triệu lượt khách trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, tức đã giảm 42% so với cách đây hai năm (với hơn 6,7 triệu lượt trong hai tháng hè năm 2019). Thông qua các số liệu của ngành dịch vụ khách sạn, hầu hết các khách đặt phòng đến từ các tỉnh thành (Pháp) hay các nước châu Âu láng giềng (Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha ….) nhưng thành phần khách du lịch từ phương xa như châu Mỹ lại rất ít, khách châu Á gần như hoàn toàn vắng bóng.
Tình trạng này tác động trực tiếp đến các cửa hàng lớn như Galeries Lafayette hay là Printemps trên đại lộ Haussmann. Nếu như doanh thu bán hàng cho người tiêu dùng ở Pháp đã tăng mạnh so với năm 2019, ngược lại thành phần khách hàng đi theo đoàn đến từ châu Á hoặc Nam Mỹ đều đã biến mất. Theo ban quản lý, khách Trung Quốc chỉ trở lại sớm lắm là vào năm tới nhân dịp trước Tết Nguyên Đán, muộn hơn nữa là vào đầu năm 2023, chừng nào các tuyến hàng không dân sự vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại.
Còn theo ông Christian Mantei, giám đốc điều hành cơ quan Atout France, chuyên quảng bá các điểm du lịch của Pháp với khách tham quan nước ngoài, khách Mỹ đang dần dần trở lại viếng thăm Paris, số lượng khách nước ngoài đặt vé tham quan Tháp Eiffel tăng chậm mà đều đặn. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng khi đánh giá rằng ngành du lịch ở Paris và vùng Île-de-France hy vọng trở lại mức bình thường sớm lắm và vào đầu năm 2023.
Paris có tìm lại không khí ”hội hè miên man” ?
Ngoài các cửa hàng lớn, tất cả các dịch vụ khác chuyên phục vụ du khách nước ngoài cũng bị ảnh hưởng trước đà phục hồi rất chậm của ngành du lịch. Điều này càng thấy rõ ở những góc phố chuyên sống về đêm như Bastille, Montmartre hay Grands Boulevards. Theo ông Yann Ricordel, đồng giám đốc công ty taxi G7, các hoạt động giải trí tại những ”phố đêm” đã giảm gần 30% do thiếu vắng khách du lịch vào thời điểm hiện tại. Kể từ đầu tháng 07/2021, khi dân Pháp bắt đầu nghỉ hè, thủ đô Paris lại càng thưa thớt người qua lại, tình trạng vắng khách (nội cũng như ngoại) lại càng khiến cho các dịch vụ taxi nói riêng, chở khách nói chung bị thất thu nặng nề.
Ngành khách sạn có lẽ là ngành dịch vụ tiếp tục trả giá đắt sau cú sốc kinh tế của dịch Covid-19. Các khách sạn cở nhỏ và trung bình khoảng 2 sao hay 3 sao tiếp tục cầm cự nhờ thu hút khách nội địa, ngược lại các khách sạn cao cấp hơn lại gặp nhiều khó khăn, một lần nữa do vắng khách nước ngoài. Theo ông Christian Mantei , thuộc cơ quan Atout France, tại các khách sạn hạng sang (hạng palace hay 5 sao trở lên) tỷ lệ đặt phòng mùa hè năm nay chưa tới 50% so với năm 2019, mặc dù các khách sạn này đã có nhiều đợt khuyến mãi với giá ưu đãi dành cho khách hàng. Bên cạnh đó các khách sạn giờ đây không chỉ bán phòng, mà còn bán thêm nhiều dịch vụ ẩm thực và giải trí (spa, brunch, cocktail … ) hầu tăng thêm các khoản doanh thu, nhưng các dịch vụ này vẫn không thể bù đắp được mọi thứ.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch hy vọng rằng chính phủ Pháp sẽ không ngưng hẳn các biện pháp hỗ trợ kinh tế kể từ tháng 9 trở đi vì đà phục hồi vẫn còn chậm. Một điều chắc chắn là người dân thủ đô Pháp đang dần dần tìm lại các sinh hoạt trong đời sống nhờ các đợt tiêm chủng có hiệu quả, nhưng để cho Paris tìm lại không khí ”hội hè miên man” như theo cách mô tả của văn hào Hemingway, thì điều đó có lẽ vẫn còn xa.