Jalal là một quản lý viễn thông người Iraq, có bằng Harvard. Vợ anh là bác sĩ phẫu thuật. Có cuộc sống sung túc và yêu thích du lịch, nhưng quốc tịch Iraq thường khiến họ khó khăn khi xin visa nên vài năm trước anh và vợ đã xin quốc tịch của nước thứ hai là Antigua. Sau 10 tháng nộp đơn và trải qua các thủ tục kiểm tra, họ đầu tư vài trăm nghìn đô-la vào tài sản và một quỹ phát triển trên hòn đảo Caribe này và lấy được hộ chiếu cho phép du lịch miễn visa tới 130 nước bao gồm hầu hết châu Âu.
Có cầu tất có cung
Jalal nằm trong số những người giàu có tạo nên một xu hướng mới gần đây: Họ nộp đơn xin quốc tịch bằng các chương trình đầu tư (CIP) để có thể tiếp cận dễ dàng tới những hộ chiếu quyền lực hơn. Anh Nuri Katz, nhà sáng lập Công ty tư vấn tài chính quốc tế Apex Capital Partners nói: “Nói chung CIP thu hút công dân từ những nước mà hộ chiếu khá hạn chế khi đi du lịch như Trung Quốc, Nga hay Trung Đông. Hầu hết những người này đều có giá trị tài sản khá lớn”.
Anh Katz ước tính, xấp xỉ 5.000 người mỗi năm lấy được quốc tịch nước ngoài qua CIP. Katz là một trong số họ. Là công dân Mỹ, anh có quốc tịch Israel và Canada khi sống ở đó trong thời gian dài. Sau đó anh lấy thêm quốc tịch St Kitts và Nevis qua đầu tư bất động sản. Anh đồng thời cũng là một công dân của Antigua bởi đã mua một căn nhà ở đó để sống cùng gia đình. “Khi mua nhà, tôi nhận thấy lấy quốc tịch là một quyết định thông minh hơn xin quyền cư trú mà sau đó sẽ phải gia hạn liên tục”. Các chuyên gia ước tính con số khách hàng từ các thị trường mới nổi có tài sản trên một triệu USD đang tăng khoảng 15-20% mỗi năm.
Xu hướng này đã tạo nên nguồn ngoại tệ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng của không ít quốc gia. Quốc đảo St Kitts và Nevis bắt đầu chương trình CIP từ năm 1984 tới giờ, cũng như nhiều nước khác “có rất nhiều CIP ở Caribe bởi họ cần tiền và không có nhiều nguồn khác để thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp” – anh cho biết.
Qua nhiều năm, những chương trình như vậy đã trở thành chuẩn mực hơn ở những nước phát triển như Mỹ, Canada hay Anh cũng như một số nước ở châu Âu khác. Đức là một trong số những nước có hộ chiếu đáng mơ ước nhất trên thế giới trong Chỉ số giới hạn thị thực năm 2017 bởi khả năng miễn visa tới 177 quốc gia. Nghe có vẻ dễ dàng, thực tế quá trình nộp đơn và xét duyệt ở những nước phát triển chặt chẽ hơn nhiều, có thể mất đến vài tháng, thậm chí vài năm. Điển hình, những người nộp đơn sẽ phải trải qua các kiểm tra tài chính và tội phạm để bảo đảm nguồn tiền hợp pháp. Không có gì đáng ngạc nhiên CIP của Mỹ là chương trình khó giành được nhất. Người có nhu cầu phải hoàn thành 5 năm cư trú bắt buộc trước khi đủ tư cách nộp đơn đăng ký quốc tịch, nếu không được bảo đảm. “Tất cả các quốc tịch đều có thể nộp đơn vào chương trình di dân qua hoạt động đầu tư ở Mỹ, nhưng lớn nhất là người Trung Quốc, ngoài ra còn Iran, Nigeria, Nga, Mexico và Ai Cập. Phải mất hằng năm để đơn được chấp nhận” – Katz nói.
Đua nhau chào mời
Nguồn cung đang tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu này. Ông Christian Kalin, chủ tịch Henley & Partner, một văn phòng tư vấn cho biết, khoảng từ 30 đến 40 nước đã có chương trình CIP hoặc chương trình cư trú nhờ kinh tế và 60 quốc gia khác có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt luật pháp. Một số nước yêu cầu quyên tặng tiền, số khác đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc mua bán tài sản. Một số nước khác có quan điểm dài hạn hơn, trao hộ chiếu cho các doanh nhân sẽ xây dựng công ty ở địa phương và tạo ra một số lượng công việc tối thiểu. Việc đầu tư có thể bắt đầu từ 10.000 USD trở lên (như quyền cư trú ở Thái) tới hơn 10 triệu USD (quyền cư trú ở Anh).
Các quốc gia Caribe khá dễ dàng trong việc cấp quốc tịch với giá rẻ. Quá khứ thuộc địa khiến họ được miễn thị thực tới khá nhiều quốc gia. St Kitts và Nevis đã bán hơn 10.000 hộ chiếu với giá 250.000 USD hoặc hơn, một nguồn thu không nhỏ với quốc gia mà GDP mỗi năm chỉ đạt một tỉ USD. Hàng xóm Dominica cũng bán ước tính 2.000 hộ chiếu một năm với giá thấp chỉ 100.000 USD – nhưng đã là “phao cứu sinh” giúp nước này thoát khỏi vỡ nợ.
Một số nước thuộc Liên hiệp châu Âu như Malta và Cyprus gần đây cũng hăng hái tham gia vào ngành này. Cyprus quảng cáo “quyền công dân EU chỉ trong vài tháng” với tất cả quyền lợi bao gồm chăm sóc y tế ở châu Âu, không yêu cầu phải sống trên đảo hoặc phải làm những bài kiểm tra về ngôn ngữ và lịch sử. Thuế cũng hết sức hấp dẫn nhưng giá khá cao: hai triệu bảng. Malta rẻ hơn, ít nhất là 650.000 bảng với 25.000 bảng nữa cho vợ/chồng hoặc con, nhưng cũng chặt chẽ hơn. Quá trình xem xét có thể mất một năm hoặc hơn và khoảng 1/3 đơn xin bị từ chối. Một hồ sơ được chấp nhận có thể mang lại nguồn thu vượt qua số tiền mà một người Malta trả thuế thu nhập suốt đời. Chính phủ đã chấp nhận hơn 1.400 đơn đăng ký cấp quốc tịch.
Một số nước giàu cũng chào mời quyền cư trú thay vì quốc tịch hoặc xem như bước đầu tiên của quốc tịch. Lớn nhất là chương trình EB-5 của Mỹ cho phép vài nghìn người nước ngoài mỗi năm quyền sống và làm việc trên đất nước này nếu họ đầu tư một triệu USD hoặc một nửa vào khu vực thất nghiệp cao và tạo ra ít nhất 10 việc làm. Tuy vậy chương trình cũng gây tranh cãi khi có những dự án xảy ra gian lận. Một số thượng nghị sĩ tỏ ý muốn loại bỏ chương trình này.
Lợi thì có lợi…
Nếu bạn đã có tài sản ở Cyprus hoặc Bồ Đào Nha, CIP mang lại lợi ích hai trong một: vừa có thể sở hữu một ngôi nhà ở nước ngoài, vừa có thêm hộ chiếu mới. Ngoài ra lợi ích lớn nhất là quyền du lịch miễn thị thực tới nhiều nước trên thế giới. Hoặc họ có thể xem xét việc đầu tư như một kế hoạch dự phòng trong trường hợp rủi ro xảy ra như chiến tranh hay thiên tai.
Dù những người ủng hộ cho đây là xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, nhưng việc mua bán quốc tịch gây rất nhiều lo ngại về an ninh chính trị, kinh tế, thậm chí là đạo đức. Anh Peter Vincent của Borderpol, Hiệp hội các tổ chức biên giới ước tính khoảng 1% khách hàng của ngành này là tội phạm, vi phạm quyền con người, những kẻ rửa tiền hoặc trốn tránh công lý.
Kate Hooper, một nhà phân tích chính sách tại Chương trình quốc tế của Viện chính sách di dân ở Washington, Mỹ nói rằng: “Quy trình thẩm định chính xác không được công khai và nhiều báo cáo dấy nên lo ngại về việc quá trình này có hiệu quả thật sự thế nào trong việc soi chiếu con người và loại bỏ tiền bẩn. Đã có nhiều trường hợp quốc tịch được trao cho người không được kiểm tra đúng đắn”.
Một số chuyên gia lo ngại về những tác động xấu của quốc tịch thứ hai. Ông George De Martino, Giáo sư kinh tế quốc tế tại đại học Denver gợi ý rằng CIP có thể tạo nên những ảnh hưởng không mong đợi. “Chương trình này cho phép những người ít có nhu cầu di cư nhất lấy quốc tịch ở một nước mới dễ dàng trong lúc có vô số người mong muốn tuyệt vọng được di cư do những nguyên nhân bất khả kháng lại bị loại bỏ. Vì thế nó không tạo nên bất bình đẳng nhưng làm bất bình đẳng nghiêm trọng hơn”. Mặt khác quốc tịch theo quan niệm truyền thống luôn gắn với những yếu tố quan trọng về tình cảm và văn hóa, vì thế nó bao hàm một sự cam kết không chỉ về quyền lợi mà còn trách nhiệm với đất nước nữa. Người mua hộ chiếu không định cư sẽ ít quan tâm tới đất nước mới này và việc bảo vệ giá trị của nó. Bởi vậy nhiều nước yêu cầu nghiêm ngặt việc nhập quốc tịch phải mất hàng năm và đòi hỏi người đăng ký thiết lập một mối liên hệ thật sự với đất nước mới.
Theo Minh Quân/Nhân Dân