Người nước ngoài cho rằng thời gian ăn tối rất muộn của Tây Ban Nha là sự phản ánh tâm lý thư giãn của nước này, nhưng thật ra là bởi một lý do khác hẳn.
Khoảng 10 giờ tối tại khu La Latina của Madrid, một trong những khu vực cổ nhất của thành phố, tại các lối đi lát sỏi rộn vang những âm thanh lách cách của thực khách đang thưởng thức món gambas al ajillo (tôm nấu với tỏi) và cocido Madrileño (đậu hạt hầm với thịt heo và xúc xích chorizo). Các nhà hàng tấp nập vào cái giờ mà ở hầu hết các nước khác thì mọi đầu bếp đã treo tạp dề, nghỉ ngơi.
Khách tới nơi thường cho rằng giờ ăn tối rất muộn ở Tây Ban Nha phản ánh sự thư giãn nghỉ ngơi vùng Địa Trung Hải ở nước này, nhưng lý do thực sự lại khác vô cùng: Người Tây Ban Nha đang sống ở múi giờ sai lệch, và chuyện đó xảy ra đã hơn 70 năm nay.
Nhìn vào bản đồ bạn sẽ thấy là Tây Ban Nha nằm cùng kinh tuyến với Anh, Bồ Đào Nha và Morocco, tức là lẽ ra phải theo giờ chuẩn GMT. Ấy vậy mà nước này lại áp dụng giờ Trung Âu (Central European Time – CET), trùng với thủ đô Belgrade của Serbia, cách Madrid tới hơn 2.500km về phía đông.
Tại sao người Tây Ban Nha lại sống chậm hơn múi giờ địa lý của mình?
Hồi 1940, Tướng Francisco Franco đổi giờ của Tây Ban Nha để đồng hồ chạy sớm lên một tiếng, trùng giờ với Đức Phát xít.
Người Tây Ban Nha, khi đó đã vô cùng tuyệt vọng bởi cuộc nội chiến, không bận tâm tới sự đổi giờ đó. Họ tiếp tục ăn uống vào thời gian trong ngày như trước.
Thế nhưng bởi đồng hồ chính thức đã thay đổi cho nên bữa trưa lẽ ra ăn vào lúc 1 giờ thì trở thành ăn lúc 2 giờ chiều, còn bữa tối thì đột nhiên trở thành ăn lúc 9 giờ thay vì 8 giờ.
Sau khi Đại chiến Thế giới II kết thúc, đồng hồ đã không được đổi trở lại.
Tuy nhiên, vào năm 2016, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố rằng chính phủ đang có kế hoạch áp dụng giờ làm việc mới, kết thúc vào lúc 6 giờ chiều thay vì 8 giờ tối.
Một yếu tố quan trọng trong kế hoạch này là việc đánh giá, thẩm định khả năng đổi múi giờ Tây Ban Nha từ CET sang GMT, điều đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa trên toàn quốc.
Chậm hơn múi giờ chuẩn có nghĩa là mặt trời sẽ mọc muộn hơn và cũng sẽ lặn muộn hơn, khiến nước này sẽ có những buổi tối mùa hè rực rỡ khi hoàng hôn chỉ buông xuống vào lúc 10 giờ đêm.
Những người điều hành các khu nghỉ dưỡng dành cho du khách tin rằng việc có thêm ánh mặt trời là điều giúp Tây Ban Nha ‘ghi điểm’ trước du khách.
Chính quyền khu vực Quần đảo Balearic, bao gồm các đảo Mallorca, Menorca và Ibiza, mạnh mẽ phản đối việc quay trở lại áp dụng giờ GMT, và đã vận động để duy trì thời gian mùa hè (CET+1) trong suốt năm, nhằm tạo cơ hội cho du khách được tận hưởng đầy đủ khí hậu mùa đông mát lạnh vừa phải của vùng này.
Thế nhưng với nhiều người Tây Ban Nha thì việc sống sai múi giờ khiến họ cảm thấy thiếu ngủ và giảm hiệu quả công việc.
Ngày làm việc điển hình ở nước này bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng; sau hai tiếng nghỉ ăn trưa, từ 2 đến 4 giờ, nhân viên quay trở lại và kết thúc vào lúc khoảng 8 giờ tối. Việc tan sở muộn khiến người Tây Ban Nha phải đợi tới tối muộn mới bắt đầu có cuộc sống riêng, giao lưu xã hội. Giờ vàng trên truyền hình thường là sau 10 rưỡi tối.
Trong lúc đó, tại vùng Galicia ở tây bắc, mặt trời không mọc cho tới sau 9 giờ sáng trong mùa đông, và điều đó đồng nghĩa với việc mọi người bắt đầu ngày mới trong bóng tối.
“Thực tế là thời gian ở Tây Ban Nha không thể hiện tương ứng với mặt trời và điều đó tác động tới sức khỏe, nhất là việc ngủ của mọi người,” Josse Luis Casero, chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chuẩn hóa Lịch làm việc của Tây Ban Nha, một tổ chức từ 2006 tới nay đã vận động để Tây Ban Nha quay trở lại đúng múi giờ, nói. “Nếu chúng tôi thay đổi múi giờ, mặt trời sẽ mọc sớm hơn một tiếng và chúng ta thức giấc một cách tự nhiên hơn, giờ ăn sẽ sớm lên một tiếng và chúng ta sẽ có thêm một tiếng để ngủ.”
Người Tây Ban Nha lâu nay đã thích nghi với việc thức khuya bằng cách nghỉ uống cà phê vào giữa giờ sáng và có hai giờ để ăn trưa, khiến họ có cơ hội để tận hưởng một thói quen truyền thống nổi tiếng nhất của nước này: ngủ trưa (siesta).
Thay đổi ngày làm việc sẽ đe dọa tới thói quen ngủ trưa của người dân, tuy việc này có khiến cho các công dân bận tâm hay không thì vẫn còn là điều cần đem ra bàn luận.
Một nghiên cứu do công ty nghiên cứu Simple Lógica thực hiện hồi 1/2017 cho thấy chưa tới 18% dân Tây Ban Nha ngủ trưa, trong khi gần 60% không bao giờ siesta. Trên thực tế, các chủ doanh nghiệp tại các thành phố lớn và tại các khu nghỉ dưỡng vẫn mở cửa vào giờ nghỉ trưa để phục vụ khách.
Những người ưa chợp mắt buổi trưa thì tỏ thái độ không hài lòng khi việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt khiến họ không còn thời gian ngủ nhanh một chút.
“Chúng ta cần thật sự xóa bỏ tình trạng siesta tại Tây Ban Nha, bởi nó không phù hợp với thực tế,” Casero nói. “Và với việc thay đổi múi giờ, đưa giờ ăn sớm lên và cho chúng ta thêm một tiếng để ngủ, thì sẽ không còn cần phải ngủ trưa nữa.”
Khi điều đó xảy ra, theo kinh tế gia Nuria Chinchilla, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực cân bằng giữa cuộc sống và công việc tại trường đào tạo kinh doanh Instituto de Estudios Superiores de la Empresa ở Barcelona, thì cảm giác về chất lượng cuộc sống đối với người Tây Ban Nha sẽ tạo áp lực to lớn hơn so với việc bảo vệ được thêm một hai tiếng vào buổi tối cho du khách.
“Chúng ta trong tình trạng rối loạn múi giờ (jetlag) triền miên,” bà nói. “Ngành du lịch thì luôn tồn tại, và du khách không mấy bận tâm. Số giờ có ánh mặt trời vẫn vậy thôi, cho dù là có thêm một tiếng vào buổi sáng hay vào buổi tối.”
Theo BBC Travel.