Vụ cháy Notre Dame (Pháp) tối 15/4 có điểm tương đồng với tác phẩm nổi tiếng “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” năm 1831 của đại văn hào Pháp.
Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của Pháp chìm trong biển lửa từ 18h50 ngày 15/4 (23h50 giờ Hà Nội). Tháp chuông và phần lớn mái vòm nhà thờ 856 tuổi đổ sập. Theo Euro News, vụ cháy gợi liên tưởng sự việc tương tự trong tiểu thuyết của Victor Hugo về công trình này.
Tác phẩm Notre-Dame de Paris (tên tiếng Việt là: Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, tên tiếng Anh: The Hunchback of Notre-Dame) có đoạn viết: “Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa… Hàng loạt bức tượng quỷ dữ và rồng đau đớn trong biển lửa. Ánh sáng từ ngọn lửa dữ dội phản chiếu lên mắt chúng… Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày. Tất cả âm thanh còn lại là tiếng kêu báo động của những linh mục bị nhốt trong tu viện”.
Trong vụ cháy sáng 16/4, trang web của nhà thờ thông báo mái vòm nổi tiếng với các ô kính màu tuyệt đẹp, cùng nhiều máng xối bằng đá được chạm khắc tinh xảo, đã bị thiêu rụi.
Năm 1831, nhà văn Victor Hugo xuất bản tiểu thuyết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà nói về cuộc đời Quasimodo. Trong tác phẩm, Quasimodo có hình hài quái dị với chiếc lưng gù và sống xa cách xã hội, trên nóc tòa tháp nhà thờ. Anh phải lòng cô nàng xinh đẹp Esmeralda và hai người có một cuộc tình đầy sóng gió. Song song câu chuyện tình lãng mạn, Nhà thờ Đức Bà Paris là điểm nhấn của tiểu thuyết. Đại văn hào Pháp đã dành hai chương mô tả nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà Paris là địa danh mang tính biểu tượng của thủ đô nước Pháp. Tồn tại đã 856 năm (bắt đầu xây năm 1163, hoàn thành năm 1345), nhà thờ trải qua nhiều thăng trầm thời gian với những lần hỏng hóc, tu sửa và những cuộc chiến tranh. Trong thời vua Louis XVI (khoảng năm 1643 – 1715), nhà thờ có một cuộc trùng tu không được như kỳ vọng. Các cửa kính màu được thay bằng kính trắng. Một cây cột trụ bị phá để mở đường cho xe ngựa vào nhà thờ. Đến thời kỳ Cách mạng Pháp (cuối thế kỷ 18), nhà thờ còn chịu nhiều sự phá hoại nặng nề hơn. Vô số tượng bị phá hủy bởi quân lính. Cung điện của các giám mục bị thiêu cháy và chưa từng được xây dựng lại. Trùm phát xít Hitler từng dự định phá hủy nhà thờ nhưng không thành công.
Victor Hugo từng chia sẻ: “Thật khó để không cảm thấy buồn và phẫn nộ trước sự tàn phá của thời gian và con người với Nhà thờ đáng kính”.
Hiện chưa thống kê được thiệt hại chi tiết vụ cháy cũng như nguyên nhân bùng phát đám cháy. Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, thông tin tại hiện trường nhiều tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ đã được đưa ra ngoài và đem đến nơi cất giữ an toàn.
Theo Đạt Phan/VNE/Euro News/Stuff