Amy McPherson, nhà báo của BBC đã có mặt ở thủ đô Helsinki để xem trận khúc côn cầu có đội Phần Lan đấu với Canada. Khi camera quay cận vào đội Phần Lan, Amy nhìn thấy trên áo của một cầu thủ có chữ Soumi. Ban đầu, cô nghĩ đó là tên cầu thủ. Tuy nhiên, cả đội đều in chữ này trên đồng phục.
“Soumi nghĩa là gì vậy?”, Amy thắc mắc quay sang hỏi người bạn là dân địa phương, Krista Fransman.
“Phần Lan”, người bạn đáp.
“Vậy Phần Lan không phải là Finland sao?
“Nếu theo tiếng Phần gốc thì là không”, người bạn cười khúc khích.
Trong giờ giải lao giữa hai hiệp đấu, Krista đã giải thích cho Amy hiểu rõ về cách gọi tên quốc gia mình. Trên thực tế, Finland không phải tên gọi đúng theo tiếng Phần Lan và bảng chữ cái nước họ cũng không có chữ “F”. Đây là một ký tự mượn từ nước ngoài. Theo một số giả thuyết, Finland xuất phát từ tiếng Anh cổ – Finna (một danh từ chung dùng để chỉ những người sống ở bán đảo Scandinavia).
Theo giám đốc bảo tàng Quốc gia Satu Frondelius, nguồn gốc tên Suomi vẫn chưa được đề cập đến một cách chính xác. Nhiều giả thuyết cho rằng nó xuất phát từ khái niệm Soumaa (vùng đất đầm lầy) hoặc Suomu (vảy cá – gợi nhớ đến trang phục làm từ da cá của người dân).
Giả thuyết thứ ba liên quan đến Lapland, nơi cư ngụ của bộ lạc du mục chăn nuôi tuần lộc Sami. Theo Klass Rupell, chuyên gia ngôn ngữ học của Viện Ngôn ngữ Phần Lan, từ Sami hay Soumi đều liên hệ đến từ Baltic cổ là “zeme” (vùng đất, lãnh thổ có dân sinh sống).
Dù có nhiều giả thuyết về nguồn gốc tên gọi quốc gia mình, người dân nơi đây vẫn thích gọi tên nước mình là Soumi.
Theo quan điểm của Krista, tiếng Phần Lan không được nhiều người biết đến và việc sử dụng ngôn ngữ bản địa giúp văn hóa đất nước cô được biết đến rộng rãi hơn. “Tiếng Phần Lan Lan là quốc ngữ của chúng tôi. Soumi chính là từ tiếng Phần chính xác nhất, khi phiêm âm nó sang tiếng Anh là Finland. Chúng tôi chỉ thích được gọi tên đất nước mình bằng quốc ngữ”.
Năm 2017, khi đất nước Bắc Âu này tổ chức kỷ niệm 100 năm độc lập, một cuộc triển lãm quy mô lớn đã được tổ chức tại Bảo tàng quốc gia với chủ đề “Story of Finland”. Triển lãm này kể lại quá trình hình thành của đất nước.
Theo đó, từ năm 1809 đến năm 1917, quốc gia này là một phần lãnh thổ của đế chế Nga. Trước đó, nó thuộc quyền cai trị của Thụy Điển. Nhờ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, người dân Phần Lan mới tách được ra.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình này không một lần nào nhắc đến từ Soumi, hay lý do người dân thích dùng từ này hơn Phần Lan.
Cuộc sống ở Phần Lan. Nguồn: Youtube.
Ngoài cái tên, Phần Lan còn là quốc gia có nhiều điểm độc đáo, thú vị. Đây là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới có bố giành nhiều thời gian cho con hơn mẹ, ở độ tuổi tiểu học.
Theo báo cáo Theo đuổi bình đẳng giới của OECD, phụ nữ Phần Lan gắn bó với con cái khi chúng còn nhỏ. Nhưng ở độ tuổi đến trường, vai trò đã được đảo ngược. Người thân thiết, tiếp xúc với chúng nhiều hơn cả là những ông bố.
Những người bố Phần Lan cũng làm việc toàn thời gian, nhưng họ rất tích cực chăm sóc con ngoài giờ làm. Họ cũng được nghỉ phép đến 9 tuần để chăm sóc con cái mới sinh nhằm hỗ trợ vợ.
Phần Lan được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường trong lành nhất thế giới, theo báo cáo hàng năm về chỉ số bảo vệ môi trường của Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Môi trường của Đại học Yale, Mỹ. Đất nước này cũng vừa khánh thành vườn bảo tồn quốc gia thứ 40.
Người dân Phần Lan rất thích đi tắm hơi, do thời tiết vào mùa đông xuống rất thấp, khoảng -20 độ C.
Tuy là quốc gia Bắc Âu, vào mùa hè, nhiệt độ ở đây cũng lên cao, khoảng 17-24 độ, có nắng, thích hợp cho du khách tới tham quan, tham gia các hoạt động thể thao. Đây cũng được coi là thời điểm du lịch Phần Lan lý tưởng nhất.
Có nhiều chuyến bay từ Việt Nam tới Phần Lan, nhưng phần lớn phải quá cảnh một, hai điểm, vé một chiều là hơn 1.000 USD.
Không khó để tìm được nhà nghỉ, khách sạn khi tới đây. Bạn nên đặt trước phòng khoảng vài tuần để được mức giá tốt nhất. Giá phòng ở đây cũng phụ thuộc vào chất lượng, độ nổi tiếng của các điểm du lịch gần đấy, từ 120 USD/đêm.