Đã sống ở vùng Paris, chắc chẳng mấy ai không biết hoặc chưa từng nghe nói tới « marché aux puces », tức là các khu chợ chuyên bán đồ cũ. Thực ra, « marché aux puces » trong tiếng Pháp, nếu dịch sát nghĩa từng chữ là « chợ bọ chét ». Nhưng tại sao chợ lại mang tên như vậy ?
Chợ đồ cũ Clignancourt.
Tại Paris, ngay từ thời Trung Cổ, đã có những người làm nghề đi nhặt nhạnh, bới móc các đống rác vứt ngoài đường phố để tìm quần áo, vải vóc, đồ dùng cũ, hỏng hoặc thu mua đồ cũ mang về vá víu, sửa chữa rồi bán lại cho người khác với giá rất rẻ. Họ thường tụ tập bán mua ở các khu chợ ở trung tâm Paris. Chợ đồ cũ đầu tiên ở Paris xuất hiện vào năm 1350 và được gọi là « marché des Patriarches ».
Vào thời kỳ đó, vấn đề vệ sinh không được chú ý. Những quần áo, chăn đệm, vải vóc cũ bán ở chợ dính đầy bọ ký sinh, bọ chét, rệp giường … Tới năm 1635, Hồng y Richelieu, vì quá lo ngại trước tình trạng mất vệ sinh ở các khu chợ đồ cũ, đã ra lệnh cấm họp chợ đồ cũ trong nội thành Paris. Dần dần các chợ đồ cũ chuyển ra vùng ngoại ô.
Tên gọi « marché aux puces » – « chợ bọ chét » xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX, khoảng những năm 1880. Theo nhiều ghi chép về lịch sử, người đầu tiên nhắc đến « marché aux puces » – « chợ bọ chét » là một quân nhân. Khi đứng trên công sự Paris, gần khu vực ngoại ô Saint-Ouen hiện nay, nhìn xuống dưới các kệ hàng của những người bán đồ cũ bày bán sát chân công sự, quân nhân đó đã thốt lên : « Ma parole, c’est un marché aux puces ! » – « Ôi trời đất ơi ! Đây đúng là một khu chợ bọ chét ! ».
Câu nói đó được truyền từ người này sang người khác, và dần dần cái tên « chợ bọ chét » vốn rất dễ phát âm, dễ nhớ và nghe có vẻ hài hước đã trở nên quen thuộc với mọi người dân Paris và được dùng để chỉ chợ giời bán đồ cũ rẻ tiền. Sau này, dần dần không chỉ đồ cũ mà cả đồ cổ có giá trị và đồ mới cũng được bày bán tại chợ trời. Nổi tiếng nhất hiện nay tại Paris và vùng phụ cận là chợ Montreuil, chợ Vanves và chợ Saint-Ouen.
Chợ Montreuil, Paris và « thượng vàng, hạ cám »
Chợ trời Montreuil nằm ở quận XX, Paris, giáp ranh với ngoại ô. Chợ họp từ thứ Bảy đến thứ Hai tuần tiếp theo. Hoạt động từ năm 1860, cho đến nay, chợ đã có nhiều thay đổi. Nhiều người kinh doanh đồ cũ đã chuyển về chợ trời Vanves.
Hiện người ta có thể mua cả đồ mới và đồ cũ ở chợ Montreuil với giá có khi chỉ một vài euro. Các mặt hàng khá phong phú, từ trang phục quân đội, áo blouson, áo da, giày da, áo mưa và thời trang 1950-1980, cho tới đồ giả trang, bát đĩa, băng đĩa nhạc cũ, sách truyện, dụng cụ làm bếp, đồ điện gia dụng, nội thất của những năm 1950, phụ tùng xe đạp, xe hơi … với « giá rẻ bất ngờ ». Khách hàng có thể tìm thấy « thượng vàng, hạ cám » ở khu chợ được coi là rẻ nhất Paris.
Nhìn qua thì nhiều mặt hàng được bày bán trông có vẻ tầm thường, cũ, bẩn nhưng nếu chịu khó bới tìm, và đôi khi là thêm chút may mắn, khách hàng có thể tìm được những món hàng quý hiếm như một chiếc máy ảnh cổ bằng bạc, một cuốn truyện tranh cổ … với giá « rất phải chăng ». Chính vì thế, chợ Montreuil còn được coi là « thiên đường » cho các nhà buôn đồ cũ hay những người sưu tầm « tinh mắt, nhanh tay ».
Chợ Vanves – một điểm đến trong ngày Di Sản Châu Âu
Chợ Vanves họp dọc vỉa hè đại lộ Georges Lafenestre và đại lộ Marc Sangnier, phía nam thành phố Paris, vào sáng thứ Bảy và Chủ Nhật, bất kể mưa hay nắng, ngày thường hay ngày lễ, với khoảng 400 quầy hàng bày bán máy ảnh, đồ bạc, đồ trang sức, tranh ảnh, đồ gỗ, đồ trang trí nội thất thế kỷ XVIII cho tới năm 1970 và cả các tác phẩm trang trí nghệ thuật của phương Đông và châu Phi …
Hàng hóa được chọn lựa, sàng lọc kỹ hơn, mang tính sưu tầm và nghệ thuật cao hơn so với những mặt hàng được bày bán ở chợ Montreuil, nên chợ Vanves ngày càng thu hút đông khách và thu hút những người bán đồ cổ, đồ cũ chuyên nghiệp ở vùng Paris tới kinh doanh, mặc dù quy mô chợ không quá lớn. Nhiều chủ tiệm đồ cổ trong Paris nói riêng, nước Pháp nói chung và cả quốc tế, nhiều văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí cũng là khách hàng trung thành của chợ Vanves. Khu chợ trời này thậm chí đã trở thành một điểm đến trong hai ngày Di Sản Châu Âu diễn ra vào cuối tháng Chín hàng năm.
Saint-Ouen : Chợ đồ cũ, cổ lớn nhất thế giới
Chợ Saint-Ouen nằm tại thành phố cùng tên, ở vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris. Ra đời vào năm 1885, tới năm 2001, chợ đồ cũ Saint-Ouen được xếp hạng « Khu vực bảo vệ di sản kiến trúc, đô thị và cảnh quan » nhờ bầu không khí độc đáo, « khác lạ » nơi đây. Chợ trời Saint-Ouen là địa điểm duy nhất nằm trong các đô thị lọt vào danh sách vốn được tạo ra nhằm góp phần bảo vệ và tôn vinh các công trình lịch sử, địa điểm mang tính thẩm mỹ, lịch sử và văn hóa. Nằm trong danh sách « Khu vực bảo vệ di sản kiến trúc, đô thị và cảnh quan », chợ Saint-Ouen tránh được mọi nguy cơ bị phá dỡ hoặc biến đổi.
Ngoài ra, chợ Saint-Ouen còn được đánh giá là chợ bán đồ cổ và đồ cũ có quy mô lớn nhất trên toàn thế giới. Mở cửa từ thứ Bảy đến thứ Hai tuần tiếp theo, thu hút 5 triệu lượt khách/năm, đặc biệt là du khách quốc tế và người nổi tiếng, nhất là du khách Mỹ và Trung Quốc, Saint-Ouen hiện là địa điểm du lịch đông khách thứ 4 tại Pháp.
Bà Véronique Scaviner, chủ một hiệu đồ cũ ở khu chợ Jules Vallès, thuộc chợ Saint-Ouen, cho biết : « Chúng tôi đón tiếp rất nhiều khách tới từ châu Á, từ những nơi rất xa, như Nam Mỹ, Bắc Mỹ, từ mọi nơi ở châu Âu và đương nhiên là cả người Paris. Nhiều khách hàng Paris tuần nào cũng tới đây, đi ngó nghiêng tìm kiếm cho thỏa, và cũng là để gặp gỡ các nhà sưu tầm và những người mê đồ cũ, đồ cổ. »
Trải rộng trên 17 ha, chợ Saint-Ouen thực ra gồm 14 khu chợ : Antica, Biron, Cambo, Dauphine, Django Reinhardt, Jules Vallès, le Passage, Malassis, Malix, l’Entrepôt, Paul Bert … Nói về khu chợ nổi tiếng thế giới Paul Bert, ông Hugues Cornière, quản lý chợ Saint-Ouen ví Paul Bert như « thánh địa » cho các nhà sưu tầm : « Người ta bắt gặp các nhà sưu tầm nổi tiếng, các diễn viên nổi tiếng. Người ta còn thấy các chính khách. Nét đặc biệt của khu chợ Paul Bert là ở đây người ta chỉ thấy ít món hàng, nhưng đó lại là những đồ trang trí có chất lượng đỉnh cao và theo gu của người Pháp. »
Với tổng cộng gần 2.000 người kinh doanh, trong đó có 1.400 người chuyên bán đồ cổ, một số khu vực chợ trời Saint-Ouen trông giống như một bảo tàng hay một galery nghệ thuật hơn là các khu chợ. Cô Laura Gonzalez nổi tiếng là một chuyên gia trang trí nội thất cho các nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ thuộc hàng sang trọng nhất ở Paris. Cô thường lui tới chợ Saint-Ouen để tìm kiếm ý tưởng và các đồ trang trí nội thất cho khách hàng.
Cô nói : « Đó gần như là điều bắt buộc. Đối với tôi, đi chợ đồ cũ là điều không thể bỏ qua, nhất là theo phong cách của tôi. Đây đúng là không gian dành cho tôi, theo trường phái cổ điển. Đây là nơi tôi có thể tìm được những món đồ trang trí nội thất đặc biệt. » Và hôm đó, khi đi tìm những món đồ mà cô mệnh danh là những « viên ngọc quý », cô đặc biệt chú ý tới một chiếc đèn chùm cũ sản xuất vào năm 1960 với giá 38.000 euro.
Ở khu chợ đồ cổ, đồ cũ Saint-Ouen, người ta có thể tìm thấy đủ loại hàng, theo nhiều phong cách, từ bình dân đến cao cấp như tranh, đồ đồng, đồ trang trí nghệ thuật, thảm, gương soi, đèn, bát đĩa, đĩa nhạc, áp phích, sách, ảnh và nhiều đồ vật độc đáo khác. Có những đồ vật chỉ có giá vài euro, nhưng cũng có nhiều món đồ khác có giá tới vài chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn euro. Vì thế, Saint-Ouen được coi là « mỏ vàng » cho những người yêu thích đồ cổ hay phong cách vintage.
Theo RFI