Là một họa sĩ trẻ chuyên về tranh lụa được nhiều người biết đến tại Việt Nam, Lê Hoàng Bích Phượng đã đoạt giải Chương trình Tương hỗ của Villa Saigon, vừa trở về Sài Gòn vào đầu tháng 10 sau 3 tháng lưu trú sáng tác tại Cité Internationale des Arts (Lưu xá Nghệ thuật Quốc tế) ở Paris.

Chị đã dành cho Phap.fr một buổi trò chuyện về những ngày tháng được “đắm mình trong nghệ thuật” ở kinh đô ánh sáng.

Đợt lưu trú và sáng tác tại Paris, nơi có những bảo tàng danh tiếng và cũng là nơi mà nhiều họa sĩ lừng danh đã từng dừng chân, hẳn đã để lại những ấn tượng khó quên đối với chị?

Tôi biết đến Chương trình Tương hỗ của Villa Saigon qua một nghệ sỹ Pháp nên đăng ký tham dự và đã được chọn. Trước đây, tôi từng tham gia lưu trú sáng tác ở Malaysia, Nhật Bản – là những quốc gia châu Á, vì vậy, 3 tháng ở Pháp – một nước châu Âu đã giúp tôi có thêm những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, từ con người đến văn hóa, kiến trúc… Tôi đã mở mang thêm kiến thức và học hỏi được rất nhiều điều.

Tôi dành một số buổi sáng để đi thăm các bảo tàng, tận mắt xem tranh của những bậc thầy về hội họa từ cổ chí kim. Danh tiếng của bảo tàng Louvres thì khỏi phải bàn, nhưng tôi đặc biệt thích hai bảo tàng Orsay và Pompidou nên mỗi nơi đã đến 3 – 4 lần. Ở bảo tàng Orsay, có rất nhiều tranh của những họa sĩ mà tôi yêu thích, họ là những tên tuổi lừng danh của trường phái ấn tượng. Còn bảo tàng Pompidou thì thật sự là “thiên đường” của nghệ thuật đương đại, đến đây, tôi cập nhật rất nhiều kiến thức mới. Chẳng hạn, tôi đã học hỏi được cách tư duy rõ ràng, mạch lạc các nghệ sỹ trên thế giới, dễ nhận ra nhất là ở cách mà họ viết lời giới thiệu về tác phẩm của mình. Đọc những lời này và thưởng thức tác phẩm, khách tham quan sẽ hiểu thêm nhiều điều.

Paris không chỉ có những bảo tàng nổi tiếng thế giới mà còn có nhiều phòng tranh nhỏ nhưng rất đặc sắc, thể loại đa dạng. Mọi thứ thật mỹ mãn, tôi đã có thêm những hiểu biết từ lịch sử mỹ thuật cho đến nghệ thuật đương đại. Ngoài ra, liên quan đến chuyên môn của mình – tranh lụa, tôi có đi Lyon để tham quan một xưởng dệt. Sản phẩm ở đây không dùng cho hội họa mà dùng cho thời trang. Tuy nhiên tôi đã có những khám phá thú vị về kỹ thuật và công nghệ dệt của Pháp để cho ra đời các loại lụa rất tinh xảo.

Chị có thể chia sẻ về tác phẩm đã thực hiện trong thời gian tham gia Chương trình Tương hỗ ở Pháp?

Tôi có một dự án dài hơi là “Walking around with pink clouds on the head” (tạm dịch: Dạo vòng quanh với những đám mây hồng trên đầu) và đã “kết nối” tác phẩm thực hiện trong 3 tháng ở Paris vào dự án này. “Đám mây hồng” là những năng lượng tích cực, như chất dẫn truyền thần kinh dopamine, mang đến cảm giác hạnh phúc. Đi đến đâu, tôi cũng muốn thu thập những “đám mây hồng” ở nơi ấy. Tại Paris cũng vậy.

Ý tưởng cho một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đến với tôi từ những ngày đầu tiên sang Paris. Mọi người ở đây ăn mặc thật “sành điệu”, gu thẩm mỹ rất cao. Chẳng cần phải là trang phục sang trọng, “hàng hiệu” gì cả, đôi khi chỉ là những bạn trẻ mặc quần áo rất giản dị nhưng nhờ họ biết cách phối đồ nên nhìn vẫn thật đẹp! Từ những quan sát ấy, tôi tìm lên các trang của sinh viên Việt Nam đang du học ở Pháp giải thích về dự án của mình và xin các bạn quần áo cũ. Mang những “nguyên liệu” này về, tôi tạo thành một tháp quần áo, với “đám mây hồng” bên trên.

Nơi lưu trú của chị ở Paris là Cité Internationale des Arts. Chị đã được tiếp xúc, trao đổi với nhiều nghệ sỹ tại đây?

Cité Internationale des Arts là môi trường trong mơ đối với tất cả những ai làm nghệ thuật. Nơi đây quy tụ nghệ sỹ từ khắp nơi trên thế giới, đến Paris theo các chương trình trao đổi văn hóa hoặc do chính phủ Pháp tài trợ. Thời gian lưu trú có thể khác nhau, thường là 3 tháng hoặc 6 tháng. Hãy thử tưởng tượng, bạn là nghệ sỹ, mỗi sáng bạn thức dậy trong tiếng đàn piano hoặc tiếng hát của một ca sĩ opera “hàng xóm”. Quanh nơi bạn ở, người thì vẽ, người thì tỉ mẩn điêu khắc… Còn gì có thể tuyệt vời hơn?

Lê Hoàng Bích Phượng dùng bữa trưa cùng các nghệ sỹ khác tại Cité Internationale des Arts ở Paris

 

Tại đây, mỗi nghệ sỹ được ở trong một căn phòng (studio) rất thuận tiện cho việc sáng tác vì ngoài giường ngủ, bếp, còn có một “xưởng” làm việc, tùy theo chuyên môn của từng người mà trở thành xưởng vẽ, xưởng điêu khắc hay nơi luyện đàn… Có những buổi “Open Studio”, là thời điểm mở cửa cho mọi người tham quan xưởng của nhau, trao đổi về những gì đã làm được trong thời gian lưu trú.

Cách tổ chức những hoạt động tại Cité Internationale des Arts cũng rất thuận lợi cho hoạt động nghệ thuật. Những nghệ sỹ mới đến sẽ được thông báo là có buổi ăn trưa để “ra mắt” và làm quen. Các buổi liên hoan thường được tổ chức để mọi nghệ sỹ đang lưu trú tham dự, giao lưu, chia sẻ về hoạt động nghệ thuật của nước mình, về kinh nghiệm tham gia lưu trú sáng tác ở các quốc gia… Qua những buổi giao lưu như thế, tôi có thêm bạn mới và học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn, lâu nay nhắc đến Peru, tôi mường tượng là một nơi xa xôi lắm và chỉ biết về nước này qua di tích Machu Picchu của đế chế Inca. Nhưng nhờ người bạn nghệ sỹ quen tại Cité Internationale des Arts, tôi mới biết rằng nền văn hóa nghệ thuật của nước này vô cùng phát triển.

Chị đã kết thúc chuyến đi và trở về với một “hành trang” nghệ thuật được đong đầy?

Sau chuyến đi lần này, trước tiên, tôi đã kể với nhiều nghệ sỹ Việt Nam về Chương trình Tương hỗ của Villa Saigon với mong muốn sẽ còn nhiều người làm nghệ thuật cũng được có những trải nghiệm tuyệt vời như mình. Điều kiện sáng tác nghệ thuật ở Pháp, như những gì tôi đã được trải nghiệm ở Cité Internationale des Arts, thật sự giúp nghệ sỹ như “cá gặp nước”. Tôi kể thêm một ví dụ khác, khi lên đồi Montmartre, tôi hiểu ra ngay vì sao màu sắc trong tranh của nhiều họa sĩ từng sáng tác tại Pháp lại đẹp như thế. Ánh nắng đó, khí hậu đó, thiên nhiên đó… tất cả đã làm nên màu sắc đó. Theo tôi, những ai muốn học về nghệ thuật, trước khi nhập học, nếu có điều kiện nên đến Paris một chuyến. Được xem tranh thật, thấy khung cảnh thật và sống trong không khí thật, các nghệ sỹ trẻ sẽ định hướng tương lai nghệ thuật của mình rõ ràng hơn. Đến Paris, để được đắm mình trong nghệ thuật!

Cảm ơn chị về những trao đổi rất thú vị này!

Lê Hoàng Bích Phượng sinh năm 1984 tại TP Hồ Chí Minh, là một trong những nghệ sỹ trẻ tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chị tốt nghiệp khoa hội họa tại Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Chương trình Tương hỗ – Villa Saigon dành cho các nghệ sỹ Việt Nam mong muốn phát triển một dự án nghiên cứu và sáng tác tại Pháp trong thời gian 3 tháng. Viện Pháp chi trả phí đi lại (vé máy bay khứ hồi TP.HCM/Hà Nội – Paris hạng phổ thông) và phí sinh hoạt (1.000 euro/tháng cư trú). Ngoài ra, nghệ sỹ lưu trú còn được cấp một chỗ ở và làm việc tại Cité Internationale des Arts ở Paris.
Similar Posts

Leave a Reply