Không thấy bãi cát trắng, những ngôi nhà cheo leo vào ngày đầu đến Santorini, Hy Lạp, nhưng Thu Phương đã “mê mệt” nơi đây sau ba ngày khám phá.

Thu Phương, Hà Nội, vừa có chuyến du lịch châu Âu cùng nhóm bạn đầu tháng 5 và Hy Lạp là một trong những điểm dừng chân trên hành trình. Dưới đây là chia sẻ của Phương về hòn đảo thiên đường du lịch Santorini.

Càng khám phá từng ngóc ngách Santorini, chúng tôi càng bất ngờ, như thể đang thưởng thức một tách trà mạn, ban đầu sẽ có vị đắng, nhưng khi đã ngấm sẽ để lại vị ngọt lan toả từ đầu lưỡi xuống tận cuống họng.

Có hai cách để đến với Santorini, bạn đi máy bay từ Athens chừng 40-50 phút, hoặc đi tàu thuỷ từ thành phố cảng Piraeus thuộc vùng đô thị của Athens (mất 6-8 tiếng). Chuyến tàu Blue Star Ferries có thể chở tới 2.000 người mỗi lượt. Tôi không thể trải nghiệm vì không có nhiều thời gian, nên đã bay ra đảo.

Ấn tượng đầu tiên về Santorini với tôi chưa phải là những ngôi nhà cheo leo vách núi, bãi cát trắng sóng vỗ rì rào mà là những dãy núi hùng vĩ, màu nâu đỏ. Santorini hay còn gọi là Thera nằm ở phía nam biển Aegea chia cắt Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bản chất là tàn dư của một vụ núi lửa phun trào. Do đó, từng mơ về một bãi biển nên thơ có thể check-in sống ảo ở nơi đây, nhưng trước mắt tôi khi đó lại là một bờ biển sẫm màu như xỉ than kết hợp màu đen của sỏi.

Bãi biển ở Santorini thường có màu đen thay vì màu trắng như nhiều nơi khác.

Đầu tiên chúng tôi qua những lối đi nhỏ hẹp để đến làng Pyrgos (trong tiếng Hy Lạp nghĩa là lâu đài). Đó là một ngôi làng cổ, tĩnh mịch, kiến trúc quen thuộc với những ngôi nhà cũ phủ màu xanh trắng. Tuy nhiên, chúng không phải là những ngôi nhà nép trên đỉnh núi và nhìn xuống vùng biển. Trên những tường vôi trắng vẫn còn in dấu chát vữa bằng tay vụng về của người Hy Lạp trước đây. Tôi khá thất vọng vì không tìm đâu ra góc check-in “thần thánh” như thường thấy trên mạng.Mọi người có thể nhặt vài viên sỏi về, màu sắc theo phong thuỷ có đủ, đen là chính nhưng thi thoảng cũng có vàng, nâu, trắng, đỏ… nghe đồn là may mắn.

Để rồi khi đến làng Fira, thủ phủ của Santorini, tôi đã thấy những ngôi nhà cheo leo trên đỉnh núi. Nhìn từ trên xuống, nhà nhà chen chúc nhau kiểu bậc thang. Tôi bước xuống đứng bên này thì là trên đỉnh đầu của nhà khác. Theo đó, nếu nhà mình nhìn được vào sân nhà hàng xóm thì tương tự, hàng xóm bên trên lại nhìn được vào sân nhà mình.

Nơi đây khá sầm uất, chủ yếu kinh doanh nhà hàng, lưu niệm, quán cà phê, bar, khách sạn sang chảnh hướng ra biển. Trong làng thi thoảng bắt gặp giàn hoa giấy đỏ trên bờ tường trắng, pha trộn với những cánh cửa xanh lãng mạn. Nhưng ở đây vẫn chưa có nhiều nhà thờ mái vòm xanh đặc trưng.

Những ngôi nhà xanh trắng cheo leo trên sườn núi là “đặc sản” của Santorini

Với tôi, Oia là ngôi làng dễ thương bậc nhất, với những ngôi nhà nhang nhác nhau, kiến trúc không theo một logic nào. Nhưng hầu hết đều có vô số ô cửa xanh trắng. Là ngôi làng mới, Oia được xây dựng lại hoàn toàn sau trận động đất năm 1956.Thiên đường thực sự nằm ở làng Oia. Tên tiếng Hy Lạp gọi là “ia”, bạn hãy phát âm đúng để tìm đến ngôi làng. Tới đây, dường như ai cũng phải thốt lên “Ôi đẹp quá!”. Trước mắt tôi khi đó là những ngôi nhà tường trắng tinh, mái vòm xanh, những tháp chuông và cây thánh giá linh thiêng.

Người dân trên đảo chọn hai gam màu xanh, trắng làm chủ đạo. Ngoài lý do đó là hai màu đặc trưng của quốc kỳ Hy Lạp, nguyên nhân còn là màu xanh hoà vào đại dương, màu trắng làm dịu đi cái nắng, cái gió trên đỉnh đồi của miền Địa Trung Hải.

Cái nắng tháng 4 trải vàng suốt triền dốc, chúng tôi tiếp đến hai làng Firostefani và Megalochori. Hai ngôi làng này vẫn mang kiến trúc tương tự như Fira và Oia nhưng điển hình của hai nơi này là nhà thờ Cycladic trắng kiểu cũ. Nhà thờ tuyệt đẹp nhìn xuống vùng biển xanh thẫm.

Càng tản bộ đi sâu vào ngôi làng, tôi bắt gặp càng nhiều ngôi nhà xây kiểu kiến trúc “công viên vĩnh hằng” ở Việt Nam. Thi thoảng lại gặp nhà bỏ không với những bờ tường rêu phong. Đoàn vô tình tham quan một ngôi nhà có hầm. Người dân giới thiệu giá trị của nó nằm ở chỗ mùa hè chui vào hầm thì mát (20 độ), mùa đông thì ấm (30 độ).

Đồ lưu niệm trên đảo Santorini.

Trong 72 giờ khám phá ấy, chúng tôi đã lên đỉnh núi cao, bạt ngàn gió, lặng ngắm đại dương xanh thẫm, lang thang nơi triền núi lúc sáng sớm, rồi chờ đợi ánh hoàng hôn buông xuống mặt biển cho đến khi Santorini lên đèn.

Trước khi trở về đất liền, chúng tôi quyết định quay lại Oia vào ngày cuối cùng ở Santorini, bởi đã “bỏ quên con tim” ở nơi này. Phương tiện công cộng để đến Oia là xe bus địa phương. Nếu đi từ Fira thì mất chừng 20 phút kèm 1,8 Euro. Cứ 20 phút là có một chuyến, rất đúng giờ xe bus sẽ có mặt và lăn bánh.

Cả đoàn hân hoan, chờ đón sự gặp gỡ lần hai. Chúng tôi bắt chuyến sớm nhất trong ngày, xe chuyển bánh khi mặt trời mới nhú lên khỏi mặt biển. Nắng vẫn vàng rực trên sườn núi. Tài xế ở đây lái rất “lụa”. Bởi những con dốc với khúc cua chật hẹp mà họ đánh vô lăng nhẹ nhàng như không.

Không khí buổi sớm ở Oia mát mẻ, trong lành. Chúng tôi lang thang khắp các ngõ vắng, khi cửa hiệu còn chưa mở, du khách còn chưa đổ xô đến, như thể nơi đây của riêng chúng tôi.

Theo Vnexpress
Similar Posts

Leave a Reply