Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi khuyên các bạn nên tìm nguồn thu ngoài lương, quản lý tài chính tốt và bỏ uống trà sữa thì tiết kiệm tiền là điều chắc chắn có thể.

Có thể với nhiều người, 5 triệu tiền lương không thể nuôi sống bản thân khi sống ở Thủ đô đắt đỏ, nhưng với tôi, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Với một mức lương hạn chế như vậy, tôi thậm chí còn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư và đi du lịch nhiều nơi, kể cả nước ngoài.

Tôi đã sống sót với mức lương 5 triệu/tháng như thế nào?

Năm nay tôi 28 tuổi. Khi mới đi làm, cách đây tầm 5-6 năm, khoảng những năm 2012-2013, mức lương cơ bản mà tôi nhận được là 5 triệu/tháng. Tôi biết mức lương này là khá thấp, nuôi một mình nhiều khi còn không biết có đủ không. Vì thế, tôi đã phải tính toán rất chi li để tránh không lãng phí từng đồng một.

Nhưng cũng may cho tôi, thuê được nhà rẻ và lại ở chung với bạn nên cũng bớt được một khoản tiền. Mỗi tháng, tôi chỉ cần chi 1 triệu rưỡi cả tiền nhà đã bao gồm tiền điện nước. Hơn nữa, thỉnh thoảng các mẹ vẫn gửi thực phẩm sạch lên, mấy đứa tôi cũng chăm chỉ nấu cơm, buổi sáng chịu khó dậy sớm chuẩn bị đồ ăn trưa, tranh thủ ăn sáng luôn ở nhà nên cũng tiết kiệm được một khoản mà lại tốt cho sức khỏe.

Vì là con gái nên tôi ưu tiên cho mình hẳn một khoản tiền để đi shopping mỗi tháng, mua ít nhất là một món đồ mới. Tôi ước tính trung bình mỗi tháng tôi dành khoảng 1 triệu để làm đẹp cho bản thân và cũng là cách để xả stress mà không làm phiền đến ai. Bù lại, tôi ít đi chơi, rất hạn chế đi chơi nên vị chi mỗi tháng chỉ tốn có 500 nghìn để gặp bạn bè, ăn mấy bữa, tám chuyện mà thôi.

Lương cứng 5 triệu/tháng: Tôi vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ và đi du lịch nhiều nơi - Ảnh 1.

Những khoản còn lại như xăng xe, tiền điện thoại, tiền đi ma chay hiếu hỉ, các khoản phát sinh khác, tôi khoanh vùng tầm 1 triệu. Tổng tiền chi tiêu một tháng đúng bằng số lương kiếm được, tôi luôn cố gắng không bị vượt hạn mức. Còn số tiền thưởng của công ty, tôi dành để tiết kiệm. Vì nhận được bài học của năm đi làm đầu tiên, không có tiền thưởng, lúc nào cũng “âm tiền” trong tài khoản nên tôi nhận ra đã đi làm là phải tiết kiệm.

Sau khi đi làm 2 năm, tôi quyết định đi du học học Thạc sĩ. Bố mẹ ở nhà cũng không dư tiền để cho tôi đi học mà số lượng học bổng khá cạnh tranh nên tôi xác định mình sẽ đi du học tự túc bằng chính tiền của mình. Tôi quyết tâm cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo, đi chơi với bạn bè. Ngoài ra, tôi cũng có khoản thu nhập khác bên ngoài, tôi tập tành bán hàng online, mỗi tháng kiếm thêm được từ 3-5 triệu, thâm niên làm việc nhiều hơn nên tiền thưởng cũng nhiều hơn.

Tổng kết lại, tôi đã tiết kiệm được 150 triệu sau 1 năm rưỡi để đi du học.

Tất nhiên, số tiền 150 triệu này chẳng thấm tháp gì khi sang Tây Ban Nha du học cả, còn không đủ để tôi đóng tiền học phí nữa là tiền trang trải sinh hoạt. Tiền không có, người thân cũng không bên cạnh, nhiều lúc, tôi thực sự chỉ muốn bỏ dở chương trình rồi xách vali về với bố mẹ.

3 tháng đầu khổ quá, học khó mà lại còn phải đi làm thêm kiếm tiền nữa, những ngày tháng ấy nghĩ lại thấy vẫn nghẹn lòng. Nhưng, 2 năm ở Tây Ban Nha là thời gian đẹp nhất của cuộc đời tôi và tôi không bao giờ hối hận về lực chọn có chút “táo bạo” của mình. Tôi đã sử dụng 2 năm ấy để thực sự sống, để trải nghiệm, và cũng nhờ vậy, 2 năm ấy đem lại cho tôi nhiều cơ hội sau này. Đi du học quả thật là một trải nghiệm nên có của mỗi người trẻ.

Tiền học phí năm 2015 của trường tôi đăng kí là tầm 220 triệu dành cho sinh viên không thuộc châu Âu. Ăn ở, chi tiêu một tháng, tôi cho phép mình chỉ được tiêu trong khoảng 500 €, tức là 15 triệu. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy việc chi tiêu vẫn thoải mái, tôi cũng không bỏ lỡ quá nhiều ‘party’ sinh viên. Nếu đi 1 năm thì hết tầm 400 triệu. Tiền vé máy bay 2 chiều và các chi phí phát sinh làm visa, bảo hiểm, trang bị trước khi đi thêm 50 triệu nữa.

Cũng nhờ việc bán hàng online order đang đạt đỉnh nên tôi luôn dành ra được một khoản, khi về còn biếu bố mẹ và “dắt túi” một số vốn.

Trong thời gian đi du học, tôi và bạn bè cũng tranh thủ đi du lịch một vài nước châu Âu: Ý, Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển. Chúng tôi vẫn còn là sinh viên nên tính toán khá kĩ lưỡng trước mỗi chuyến đi sao cho tiết kiệm, chúng tôi đặt nhà qua Airbnb, chúng tôi mua đồ về nhà nấu chứ không đi ăn hàng. Tất cả hết tầm 1000 € (gần 30 triệu). Vé máy bay trong khối EU khá rẻ, chỉ cỡ 50-100€ thôi.

Ảnh: NVCC

Tôi quyết định “thắt lưng buộc bụng” thêm lần nữa để mua chung cư.

Đầu năm 2017, tôi trở về Việt Nam, kết thúc những ngày tháng tự do ở nước ngoài và lại bắt đầu lao vào công cuộc kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho cuộc sống độc thân. Tôi quyết định mua nhà vào tháng 10 nhờ có chút vốn tích cóp được khi đi du học và tiền bán hàng là khoảng 300 triệu. Tội chọn một căn chung cư khá ổn, giá 1,5 tỷ, tiền vay ngân hàng 1,2 tỷ. (Khoản vay này được mẹ tôi đứng tên vay hộ để hưởng lãi suất vay kinh doanh ưu đãi).

Và tôi lại tiếp tục tiết kiệm. Mức lương cơ bản ở công ty cũ của tôi vẫn không thay đổi 5 triệu/tháng. Tuy nhiên thời gian rảnh nhiều nên tôi có thời gian kiếm thêm từ bán hàng online. Vả lại khoản thu nhập từ thưởng cũng hậu hĩnh, lên tới 10-12 tháng lương (khoản thưởng này ở doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí những năm kinh doanh thịnh vượng trước đây cũng là bình thường). Lãi từ bán hàng online được 20++ triệu/tháng.

Các khoản chi phí trong tháng của tôi gồm:

* Tiền lãi ngân hàng: 8 triệu/tháng (vay gói ưu đãi);

* Hóa đơn điện nước, internet: 1,2 triệu;

* Điện thoại: 500 nghìn đồng;

* Ăn sáng ở nhà, buổi trưa mang cơm theo: 1 triệu;

* Chi phí vui chơi cá nhân: 1 triệu;

* Hạn chế ăn hàng, đi chơi với bạn bè, không đi mua sắm khi không cần thiết, tiết kiệm quần áo mặc lại đồ khách order nhưng bùng hàng…

Cộng các nguồn thu ngoài nhờ công việc bán hàng và thưởng do hoàn thành công việc xuất sắc, tôi vẫn giữ đúng quy định chi tiêu nghiêm ngặt như vậy cho bản thân, mỗi tháng tôi để dành được khoảng 15 triệu để trả nợ.

Số tiền dư dả, tôi dành để đi du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, tôi đã nghỉ ở công ty cũ và có một công việc mới thu nhập tốt hơn, thời gian cũng không ràng buộc nhiều nên tháng nào cũng đi du lịch kể cả trong nước và nước ngoài, ít là 3-4 ngày, nhiều là 2-3 tuần. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gửi tiền biếu bố mẹ.

Tôi độc thân nên bản thân không đặt nặng vấn đề nợ nần vì nếu khổ quá hoặc không có khả năng thì bán nhà đi trả nợ là xong.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi khuyên các bạn nên tìm nguồn thu ngoài lương, quản lý tài chính tốt và bỏ uống trà sữa thì tiết kiệm tiền là điều chắc chắn có thể.

*Bài viết dựa theo chia sẻ chi tiêu của chị Trang Nguyễn.

Một vấn đề được đưa ra bao giờ cũng gây ra những tranh cãi, và với bài toán chi tiêu của Trang Nguyễn thì cư dân mạng đã “vạch” ra khá nhiều điểm mà họ cho là chưa đủ thuyết phục.

Đầu tiên là khoản tiền tiết kiệm 150 triệu để đi du học tự túc của Trang. Có thể thấy, với mức lương 5 triệu và tiền mua bán online thì trong vòng 1 năm rưỡi để ra được 150 triệu sẽ là chuyện hơi khó khăn. Bạn Phùng Văn Quyết bình luận: “Nếu chia ra khoảng thời gian đó mỗi tháng bạn phải để dư được 8,3 triệu thì mới đủ trong khi khoản thu của bạn thì tối đa mới là 10 triệu thì mình thấy nó hơi vô lý. Chẳng lẽ chi tiêu hằng ngày của bạn ít dùng đến tiền như vậy sao?”.

Thêm một điểm khó hiểu nữa khiến cộng đồng mạng phải đau đầu đi tìm câu trả lời đó là trong suốt khoảng thời gian đi du học, cô ấy đã bán hàng online và làm thêm thì thu nhập cụ thể là bao nhiêu để có thể trang trải được tất cả và khi về lại còn có chút vốn dư? “Có thể bạn không muốn công khai con số nhưng mình phải khuyên bạn một câu là nếu bạn đã chia sẻ thì mọi thông tin của bạn phải được minh bạch để người đọc không bị thắc mắc. Mình không hiểu thu nhập của bạn ra sao mà lại chỉ có mức chi ở đây cho nên cũng thấy chuyện vô lý lắm bạn ạ”, bạn Trang Mai bình luận. “Theo mình biết thì khi đi du học việc làm thêm của du học sinh cũng không phải dễ dàng gì, vậy bạn lấy đâu thời gian để làm việc nhiều như vậy trong khi vẫn phải đảm bảo giờ giấc ở trường chứ?”, Ngô Huy thắc mắc thêm.

Và thêm một điểm thứ 3 mà những người đọc bài viết này phải tự hỏi đó là khi về lại Việt Nam tại sao Trang vẫn chọn làm ở công ty cũ với mức lương 5 triệu trong khi đã có bằng thạc sĩ. Và vẫn biết lúc này tiền lãi từ việc bán hàng online của cô nàng khá ổn nhưng nếu trừ đi mức chi tiêu và trả tiền nợ cho ngân hàng thì vẫn thấy có sự bất hợp lý. “Mình thắc mắc chuyện bảng lương của bạn chỉ có 5 triệu thì sao ngân hàng lại cho bạn vay những 1,2 tỷ. Mỗi tháng bạn trả tiền lãi là 8 triệu, cộng với tiền bạn nói trả nợ 15 triệu thì chắc là tiền gốc cho ngân hàng đã là 23 triệu rồi. Bạn chi tiêu thêm mỗi tháng cũng phải 4-5 triệu nữa thì cũng vào xấp xỉ gần 30 triệu. Như vậy mà bận vẫn đi du lịch nghỉ dưỡng đều đặn, tháng nào cũng đi thì quả thật là quá giỏi luôn”, tài khoản Facebook Ngân Minh cho hay.

Những dòng comment thắc mắc của cộng đồng mạng về những chia sẻ của Trang Nguyễn.

Trên đây là một vài những ý kiến thắc mắc của cư dân mạng về bài toán chi tiêu của Trang Nguyễn. Ở điểm vô lý đầu tiên là tiền tiết kiệm du lịch thì có lẽ Trang đã không muốn công khai số tiền thưởng ở công ty của cô cho nên mọi người mới không hiểu vì sao cô lại để ra được những 150 triệu trong vòng 1 năm rưỡi. Điểm vô lý thứ hai thì như đã nói, Trang không công khai số thu nhập đi làm thêm khi đi du học nên mới càng khiến người đọc phải “bấn loạn” đi tìm kiếm thông tin. Và cũng vẫn vấn đề đó ở điểm cuối cùng, Trang cũng lại không cho người ta một con số cụ thể, thành ra dân mạng  9 người 10 ý, mỗi người một phỏng đoán khác nhau để làm cho bài toán chi tiêu này hợp lý. Trên trang cá nhân của mình, Trang Nguyễn cũng không nói sâu hơn về vấn đề này, không giải thích với dân mạng, chỉ chia sẻ bài phỏng vấn mình kèm status: “Khi đi du học dĩ nhiên phải đánh đổi chi phí cơ hội rồi. Trong thời gian ấy các bạn lấy chồng, sinh con, vẫn kiếm tiền đều đều thì mình phải ở giảng đường, rồi lo làm thêm vì chỉ sợ không đủ tiền học phí. Khoảng thời gian trước khi đi vẫn là bóp mồm bóp miệng để giản tiện. Còn ai không tin mình làm được những điều này thì kệ nhé. Mình còn chả tin nữa là các bạn.

Tuy nhiên chốt lại vẫn là khoảng thời gian đẹp nhất, làm mình thay đổi nhận thức. Gặp nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, gặp cả người tốt lẫn người ít tốt, nên kể cả trắng tay sau khi học về mình vẫn lựa chọn. Giờ trở thành con người cởi mở, chấp nhận sự khác biệt của tôn giáo, sắc tộc, thấy đời khác hẳn“.

Theo Trí Thức Trẻ

Similar Posts

Leave a Reply