Phong cảnh, chân dung, tĩnh vật. Lúc sinh tiền, danh họa Cézanne đã vẽ hầu hết các thể loại. Trong vòng 40 năm, từ năm 1866 đến 1906, ông đã vẽ trên dưới 200 bức chân dung, trong đó có 26 bức là chân dung tự họa. Hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất nay được tập hợp về cùng một nơi.
Trong suốt mùa hè 2017, Viện bảo tàng Orsay hợp tác với National Portrait Gallery (Luân Đôn) và National Gallery of Art (Washington) để tổ chức tại Paris một cuộc triển lãm lớn về chủ đề tranh chân dung của Cézanne từ 13/06 đến 24/09/2017.
Nơi Cézanne (1839-1906), đối tượng bức tranh (theo quan điểm truyền thống) dường như không quan trọng lắm. Ông có thể vẽ đi vẽ lại hàng chục lần chân dung của người vợ (Hortense Fiquet) mà không có bức nào giống nhau. Theo nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật John Elderfield, Cézanne vẽ không phải là để tả chân tả cảnh, chân dung của người vợ không có mục đích đề cao vẻ đẹp hay tôn vinh nét duyên dáng của người đàn bà.
Bức chân dung tự vẽ của Cézanne tại bảo tàng Orsay. Hình : REUTERS /John Schults
Theo ông, Cézanne vẽ đi vẽ lại cùng một đề tài để tìm cho mình một quy tắc toàn phần, một ‘‘ngữ pháp’’ riêng biệt : bố cục, màu sắc, chất liệu, cách thể hiện chi tiết theo xúc cảm chứ không theo như những gì con mắt nhìn thấy. Những yếu tố ấy hợp lại thành một tổng thể, cái hay cái thần toát lên từ nguyên cả bức tranh chứ không còn đơn thuần là đối tượng hay nhân vật được vẽ trong tranh.
Còn theo lời ông Xavier Rey, giám đốc các viện bảo tàng thành phố Marseille và cũng là một trong những người khởi xướng cuộc triển lãm tại Orsay lần này, ngay từ những bức tranh chân dung đầu tiên, trong khoảng thời gian 1866-1867, Cézanne đã lao mình vào thử nghiệm tìm tòi qua 10 bức chân dung. Ông không vẽ bằng cọ mà là vẽ bằng dao (loại giống như cái bay nhỏ của thợ nề).
Vào lúc mà các họa sĩ còn chăm chút màu sắc, trau chuốt nét vẽ, Cézanne lại tìm cách thoát khỏi quan niệm hàn lâm, “kinh viện” về nét thẩm mỹ trong hội họa. Trong những bức vẽ sau đó, Cézanne vẽ theo góc nhìn cá nhân : trái với khoa học, nghệ thuật không cần phải chính xác. Có lẽ cũng vì thế mà Cézanne vẽ thân hình con người mà không nhất thiết phải cân đối. Màu sắc da thịt hay chi tiết cơ thể không cần phải giống như ngoài đời.
Điều hiển nhiên nhất trên một khuôn mặt chính là lỗ mũi, trong một số bức tranh, Cézanne cố tình vẽ chân dung không có mặt mũi như bức Chân dung của một nông dân vẽ vào những năm tháng cuối đời (1905-1906). Phải chăng vì chán ghét cái quan điểm áp đặt về sự ‘‘hoàn chỉnh’’ trong tác phẩm, mà Cézanne cố tình vẽ không đầy đủ, chủ ý vẽ thiếu sót là một cách để phủ nhận quan điểm bảo thủ, cựu truyền…
Đằng sau một số bức vẽ của Cézanne còn có nhiều giai thoại lý thú. Theo nhà nghiên cứu John Elderfield, trưởng ban tổ chức triển lãm, Cézanne thường nói thời trẻ của ông là thời‘‘gan lì’’, trong giai đoạn này ông luôn thể hiện sự đối đầu với gia đình ông, đặc biệt là với thân phụ. Bố của danh họa Paul Cézanne (ông Louis Auguste Cézanne) trở nên giàu có nhờ nghề làm nón, ông sau đó thành lập ngân hàng Cézanne & Cabassol ở thành phố Aix-en-Provence, ông bố hy vọng là con trai nối nghiệp ông sau này, nhưng ông không khỏi thất vọng trước thái độ kiên quyết của Paul.
Trước khi chọn nghề hoạ sĩ, Paul Cézanne bị gia đình buộc phải theo học trường luật khoa. Paul Cézanne bỏ học và lên Paris ‘‘lập nghiệp’’ với sự giúp đỡ của bạn học cũ là văn hào Émile Zola. Trong bức chân dung vẽ bố ông, Paul Cézanne đã cố tình vẽ một người đàn ông không giống như đại gia, không có bề ngoài giàu sang trưởng giả. Thậm chí, nhân vật trong bức vẽ còn cầm trên tay một tờ báo nổi tiếng là cấp tiến thời bấy giờ (tờ báo L’Évènement) chuyên đả kích tư tưởng thủ cựu.
Đối với người vợ, Cézanne cũng không tỏ ra trìu mến và âu yếm cho lắm. Tuy ông vẽ chân dung của bà hàng chục lần, nhưng ngoài đời hai người không sống chung với nhau dưới cùng một ‘‘mái ấm’’. Cézanne cũng chỉ thành hôn với bà Hortense Fiquet hơn 10 năm sau khi hai người đã có con. Hội họa không cần phản ánh thực tế và nơi Cézanne lại càng không phải là nơi để ông đề cao đời tư hay gia cảnh.
Tuy nhiên, trên phuơng diện hội họa, khi nhìn các bức chân dung theo trình tự thời gian, ta sẽ thấy sự biến chuyển thay đổi trong bút pháp của ông. Sau khi từ bỏ hẳn lối vẽ truyền thống theo phối cảnh, và ông vẽ chân dung như một nhà nhiếp ảnh chụp hình cận ảnh, trên mặt tranh tất cả được dàn trải trên ‘‘tuyến đầu’’, như thể không còn cần phải phân biệt phía sau hay phía trước.
Càng về những năm cuối đời, Cézanne càng vẽ mà không cần kẻ rõ đường viền, bút pháp của ông khi ẩn khi hiện, có lúc mờ hẳn rồi biến mất. Các khối màu sắc khi được sắp đặt cạnh nhau tự phân định đường nét ranh giới. Cũng chính vì thế mà ngoài là dấu gạch nối giữa hai trường phái hậu ấn tượng và lập thể, Cézanne còn được xem như là người đã khai sinh dòng hội họa hiện đại.