Có bao giờ khi mua kem đánh răng, bàn chải hay mấy cuộn giấy vệ sinh mà bạn thấy nó đắt không? Tôi chưa bao giờ hoài nghi về giá cả của mấy món đồ dùng nhỏ bé ấy. Thế rồi ngày trở về nhà, vẫn là những thứ ấy, vẫn là mức giá ấy, nhưng lần đầu tiên tôi biết rằng đồ tiêu dùng ở Việt Nam … quá đắt.

Bao thuốc Marl ở Đức 170k còn ở Việt Nam là 24k, một tá trứng ở nhà mình 41k còn ở tây là 91k…

Sống ở Việt Nam còn đắt đỏ hơn ở Đức

Nội dung này được Blog Flownes.com mới đây chia sẻ đã cho thấy một góc nhìn khác về cuộc sống ở châu Âu. Điều mà nhiều bạn đi du lịch châu Âu, sang Đức sẽ hay có sự so sánh.

*Lưu ý là đây chỉ là các con số tương đối để minh hoạ, chưa tính tới chênh giá giữa các hãng.

Hàng hoá và thu nhập ở Việt Nam đều thấp hơn ở Đức thật đấy. Nhưng điều ấy không có nghĩa là không có cái gì sai sai. Vấn đề là ở đây:

Lí do mà ở Việt Nam đắt hơn không phải vì giá cả hàng hoá thấp hơn, mà là tỉ lệ chi trả cho những hàng hoá ấy trên mức thu nhập ở Việt Nam lại quá cao. Thực tế này không phải chỉ Mik mà rất nhiều du học sinh ở các nước khác cũng nhận ra sự đắt đỏ vô hình này. Chỉ khi trở về nhà, sử dụng mức lương mới – nhỏ bé gấp nhiều lần – để mua những thứ đồ có giá chẳng thấp hơn là mấy, chúng tôi mới nhận ra điều này.

Theo thống kê thì mức thu nhập trung bình của lao động Việt Nam là 3,2 triệu đồng, còn của Đức là 65 triệu một tháng (USD 33 652/năm, chưa trừ thuế, tính theo thời điểm tháng 12.2018). Tức là thu nhập trung bình ở Đức gấp hơn 20 lần người Việt trong khi giá mỗi cuộn giấy vệ sinh ở Đức chỉ đắt gấp đôi chúng ta. Tức là theo tỉ lệ này, nếu bạn mua một cốc cà phê với giá 25 ngàn, thì người Đức chỉ cần trả 1 ngàn 250 đồng thôi.

Tuy nhiên trong bài viết này, tôi dựa theo thực tế của bạn bè xung quanh, nên sẽ lấy minh hoạ mức lương công sở (với người đã tốt nghiệp đại học) khoảng 7 triệu đồng ở Việt Nam và 48 triệu ở Đức (lương là 3000€/tháng, sau khi đã trừ thuế còn 1800€). Tính theo mức này thì khoảng cách trên chỉ còn gấp 6 lần, nghe bớt bất công và sát thực tế hơn. Tuy vậy, vẫn thể hiện rõ ràng ở Việt Nam, chúng ta đang phải chi trả quá cao so với thu nhập.

Tôi tính xem các đồ vật chiếm bao nhiêu phần trong thu nhập của người đi làm công sở ở Đức và Việt Nam (chỉ mang tính tương đối). Tỉ lệ giá thuê nhà trên mức thu nhập của hai nước khá ngang ngửa nhau. Với quần áo có nhãn hiệu thì người Đức chỉ cần chi 12% thu nhập là có thể dùng Adidas, Nike, Dior, Levi’s… trong khi chúng ta mất cả nửa tháng lương. Hoặc họ chỉ cần bỏ 1/3 lương tháng là mua được Iphone, trong khi đa phần người Việt phải dành dụm hết nhiều tháng. Cùng các đồ ăn uống như nhau thì Việt Nam có tỉ lệ chi trả trên thu nhập cao gấp 3 lần Đức. Tỉ lệ này là 4 lần với các đồ giấy vệ sinh, kem đánh răng, khử mùi, dầu gội… Buồn nhất là với đồ gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, ipad, tivi, điện thoại thì giá ở Đức và Việt Nam luôn ngang ngửa nhau. Mà hãy nhớ là thu nhập ở Đức lên tới trên dưới 50 triệu.

Tá trứng giá 91k ở Đức và 41k ở Việt Nam không có nghĩa là trứng ở Đức đắt hơn ở Việt Nam. Nó phải là trứng ở Việt Nam đắt gấp 3 lần ở Đức so với tỉ lệ mức thu nhập (tương đương chiếm 0,18958% (91k/48 triệu) ở Đức và 0,5857% (41k/ 7 triệu) ở Việt Nam trên thu nhập) . Tương tự, nếu một cốc Starbucks ở Việt Nam là xa xỉ, vì bạn phải nhịn hai bữa trưa (ăn ở ngoài) để đi cà phê sang chảnh, thì ở Đức nó chỉ bằng một nửa bữa. Thế đấy, sự thật là chúng ta nghèo hơn mình vẫn tưởng!

Đổi mấy bữa trưa ở ngoài hàng mới được 1 cốc Starbuck?

*Lưu ý: trên đây chỉ là các con số tương đối để minh hoạ, chưa tính tới chênh lệch giàu nghèo, khác biệt ngành nghề, vị trí địa lí, tính chất đô thị và nông thôn hoặc khác biệt loại hình công ty ở mỗi quốc gia.

Chi phí cơ hội – có thể bạn nghèo hơn bạn nghĩ 

Thôi được, đến đây bạn có thể bấm bụng rằng tiêu dùng ở Việt Nam so với thu nhập là đắt. Và vì chúng ta nghèo, nên chúng ta chấp nhận số phận của mình hiện tại. Ta không được vung tiền như các bạn trẻ quốc tế: ít cơ hội cho chúng ta uống 10 cốc cà phê mỗi ngày hơn, vì chúng ta còn cần dùng tiền mua giấy vệ sinh và kem đánh răng.

Nhưng mà, không biết bạn đã nghĩ đến điều này chưa: nghèo nghĩa là chi phí cơ hội cao. Kiểu như Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Nghèo không chỉ là bây giờ ta nghèo, nghèo còn có nghĩa là sau này ta sẽ có thể vẫn nghèo hơn nữa.

Vấn đề là chi phí sống không hơn nhau ở mức hai đường thẳng song song. Mà nó hơn nhau ở một góc mở rộng, nghĩa là mức chênh lệch càng lúc càng lớn. Mức chênh lệch này đáng sợ nhất là khi người trẻ ở các nước giàu có được dễ dàng tiếp cận giáo dục chất lượng cao hơn và được sử dụng tiền cho đầu tư tương lai, thay vì bận trả cho kem đánh răng với giấy vệ sinh.

Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta mãi không có nhiều sản phẩm ”made in Vietnam” với giá Việt Nam, mà với sự tấn công của các mặt hàng nhập giá tây, thì các sản phẩm tiêu dùng ngày càng chiếm nhiều trong ngân sách, càng khó có dư thừa để đầu tư cho tương lai.

Thậm chí ở nơi có nhiều sản phẩm nội địa như Đức, nơi các công ty thi nhau sản xuất nhiều loại kem đánh răng mới, thì giá thành của họ ngày càng giảm. Ví dụ như ở Đức rất phổ biến bàn chải và kem đánh răng giá dưới 1 euro (khoảng 25k – 27k), giá chỉ bằng 1 phần 700 so với thu nhập của sinh viên.

Trong khi đó, bạn có biết bàn chải đánh răng của bạn đang chiếm bao nhiêu phần trong thu nhập của mình không?

Kem đánh răng chỉ 10-20k (tiền Việt) ở Đức

Cuốn Nguyên lý 80/20 của Richard Koch có mô tả như sau:

”Kẻ giàu thì cứ giàu lên, không phải chỉ (hay chủ yếu) là vì họ có năng lực vượt trội gì, mà là vì: của cứ đẻ ra của. Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra với những chú cá vàng trong ao. Cho dù ban đầu thả cá bạn chỉ có những con cá kích thước xấp xỉ nhau, thì những con lớn hơn một tí sau này sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi vì, cho dù chỉ có một thuận lợi ban đầu chỉ hơi cách biệt về kích cỡ, chúng đã có thể giành và nuốt được những lượt thức ăn vượt trội hơn những con kia.”

Với những lợi thế hiện tại, như năng lực con người, cơ sở hạ tầng, nền giáo dục tốt và tư duy luôn cải tiến, các bạn trẻ phương tây có nhiều hơn chúng ta những lợi thế để tạo các sản phẩm tốt hơn nữa, giá rẻ hơn nữa. Nhất là thời đại công nghệ rất cần đến lao động trí óc cao. Và nếu chúng ta càng bắt đầu chậm trong việc tạo ra và tiêu thụ những sản phẩm của riêng Việt Nam mình, chúng ta càng khó nhét những sản phẩm mới này vào.

Đoạn khác của Nguyên lí 80/20 đề cập: ”Đến một ngưỡng nào đó, một động lực mới (có thể hiểu là các bạn trẻ Việt Nam mới bước vào cuộc chơi) sẽ thấy khó có thể phát triển hơn được nữa. Mặc dù rất cố công nhưng kết quả chẳng thu được gì. Ở ngưỡng này nhiều kẻ hào hứng tiên phong sẽ bỏ cuộc…”

Nghĩa là nếu ngay lúc này một người Việt không bỏ ra nỗ lực gấp đôi gấp ba một người bạn phương tây, thì đời con của mình sẽ phải nỗ lực gấp năm gấp mười lần. Chúng ta (đã, đang và sẽ) ở trong nhóm 80% người nỗ lực hết mình mà chỉ thu được 20% lợi nhuận của thế giới toàn cầu hoá. Và cuộc sống của người Việt ngày càng phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài và khốn khó hơn.

Một chai dầu gội trẻ em hãng Penaten của Đức đang được nhiều bà mẹ Việt Nam sẵn sàng trả 200k, nhưng các bà mẹ ở Đức chỉ mất 2,95 Euro. Chính cô bạn tôi, người đi làm công sở ở Việt Nam có mức lương 7 triệu đang dùng chai này cho em bé. Như vậy, bạn tôi đã mất 2,857% lương. Còn với bà mẹ Đức thông thường có mức lương 1800 Euro thì chỉ mất 0,1638%. Nếu so với tỉ lệ thu nhập, thì bà mẹ Việt phải trả giá đắt gấp 17 lần rưỡi bà mẹ Đức để mua chai sữa tắm hàng xách tay cho con.

Hình dưới đây mô tả sự chênh lệch lớn thế nào khi bạn dùng đồ ngoại, đồ xách tay.

 

Bài viết này, tác giả cho biết chính xác mất 8 tháng để trình bày cả về nội dung câu chữ và tự vẽ hình minh hoạ. Trên đây chỉ là một vài trích đoạn của bài viết, bạn có thể đọc toàn bộ nội dung bài viết và nhiều khía cạnh khác ở flownes.com nhé.

Chúc các bạn đọc của DichauAu.net sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị.

Similar Posts

Leave a Reply