Có nhiều người không thích Madrid, nói rằng nó không đẹp. Nhưng tôi thích Madrid ở một vẻ riêng biệt. Đó là kiến trúc Tây Ban Nha không thể trộn lẫn với những ban công sắt tí hon và cửa ra ban công cao gần tới trần thay cho cửa sổ.

Trừ những ngôi nhà chung cư kiểu mới, còn thì người Tây Ban Nha không có truyền thống dùng cửa sổ như người Áo, người Hung, người Ba Lan, người Séc, người Ý hay bất cứ dân tộc nào trên thế giới coi cửa sổ là chuyện đương nhiên…

Như trên đã kể, căn phòng khách sạn tôi ở đường Fuencarral cũng có một chiếc ban công. Nó nhỏ xíu không đủ để đặt bàn trà uống nước hay… phơi quần áo, nhưng đủ để đứng tựa vào đấy ngắm trăng sao mà mơ mộng đến người tình.

Và đủ để một chàng Romeo đứng ngước cổ bên dưới với cây guitar réo rắt giai điệu Romance de Espana cho đến chừng nào Juliet xuất hiện trên ban công mới chịu thôi. Nhưng mà cũng có thể do tôi tưởng tượng ra thế.

ban cong duoi anh trang madrid
1 góc phố cổ ở Madrid

Nam thanh nữ tú bây giờ còn lâu mới chịu nghe Romance de Espana hay Concierto de Aranjuez. Các chàng trai Madrid cũng đời nào chịu mò đến chân nhà gảy đàn và các cô gái thì chịu sao thấu việc ngồi im chờ đợi trong phòng ngủ.

ban cong duoi anh trang madrid
Những ban công đặc trưng ở Madrid

Ấy là sau một cú liếc mắt đưa duyên, họ sẽ xin số và đêm ấy về nhắn Zalo cho nhau. Tối sau sẽ cùng có mặt trong một quán bar mờ ảo trên quảng trường Sol trước khi dìu nhau vào một góc cuồng nhiệt nào đó.

ban cong duoi anh trang madrid
Một quá nhỏ ban đêm khá lãng mạn

Ban công giờ cũng chả dành cho người dân Madrid nữa rồi. Như mọi quốc gia khác, nhà phố cổ thường ưu tiên cho việc kinh doanh thay vì để ở. Vì thế tầng trệt luôn là sự bành trướng của Versace, Prada, Gucci, Hermes, KFC, Mac Donald, Starbuck…, còn tầng hai trở lên, chỉ thấy lấp ló khách du lịch, khi da đen, lúc da trắng, hoặc mắt một mí da vàng.

ban cong duoi anh trang madrid
Một góc phố Madrid với kiến trúc Tây Ban Nha không thể trộn lẫn với những ban công sắt tí hon

Người bản địa chủ yếu ra ngoại vi yên tĩnh mà ở chung cư. Tất nhiên Madrid chỉ ồn ào ở khu phố cổ thôi, còn ra khỏi “vành đai du lịch”, không gian trở lại yên tĩnh và trong trẻo như mọi miền châu Âu khác, có ngồi cả ngày mới thấy lác đác bóng người.

ban cong duoi anh trang madrid
Con đường Fuencarral ở Madrid với những chiếc ban công đặc trưng

Phố cổ và phố mới quả có khác nhau. Nếu bạn muốn tìm kiếm một cảm giác thực sự cổ xưa hơn nữa của Madrid thì hãy ra khu vực quảng trường Mayor. Quảng trường lớn nhất, đẹp nhất Madrid và cũng là cổ nhất vậy.

ban cong duoi anh trang madrid
Một cửa hàng hoa xinh xắn ở Madrid

Plaza Mayor là một quảng trường đặc biệt vì nó khép kín và được bao bọc bởi bốn dãy nhà liền khối. Có rất nhiều cổng vào hình mái vòm được trổ ra các hướng thông với phố cổ Calle de San Cayetano, Calle Fray Ceferino, Calle Carnero… Đứng giữa Plaza Mayor, tôi thấy mình đang trôi về thế kỷ 16, cái thời người ta công bố những chỉ dụ quan trọng của nhà vua không qua báo chí truyền hình mà bằng cách dùng loa giữa quảng trường, cái thời mà người ta tuyên dương công trạng của một anh hùng hay bêu đầu một kẻ phản trắc, đồi bại cũng ở giữa quảng trường.

ban cong duoi anh trang madrid
Plaza Mayor là một quảng trường đặc biệt vì nó khép kín và được bao bọc bởi bốn dãy nhà liền khối

Quảng trường thời ấy giống như một cái Facebook mà chủ nhân của nó còn “hot” hơn cả minh tinh và chính trị gia, và tùy cảm hứng mà các quan sát viên sẽ tung hô hay ném đá xuống quảng trường. Tôi xoay tròn tứ phía, các ban công đều chằn chặn và màu vôi đỏ của các tòa nhà cũng quay mòng mòng đến hoa mắt.

Năm thế kỷ trước, những người dân ngoan đạo và giả vờ ngoan đạo của thành Madrid sẽ đứng kín các ban công kia và khoái trá nhìn xuống một sự kiện đang diễn ra giữa quảng trường, sung sướng khi có một trò vui mới chuẩn bị khuấy động cái ao tù tẻ nhạt của một đời phong kiến.

ban cong duoi anh trang madrid
Plaza Mayor là một quảng trường đặc biệt vì nó khép kín và được bao bọc bởi bốn dãy nhà liền khối

Họ, ấy cứ là phải mở tung cửa ban công ra cho đã. Ánh nắng và không khí và tinh thần Tây Ban Nha sẽ tràn vào nhà khiến các chủ nhân thêm dồi dào sinh lực. Họ cũng không treo những giò hoa lên ban công như cách lãng mạn của người Paris, nếu có thì chỉ là hoa giấy. Cũng có thể chỉ duy nhất hoa giấy mới chịu đựng được cái nắng gay gắt của vùng Địa Trung Hải.

Những cỗ xe ngựa chở theo vị quan chức mẫn cán với chức vụ nhỏ xíu nhưng hứa hẹn một thông tin không kém phần thú vị đang nằm trong cuộn giấy nhớp mồ hôi. Và những người thợ thuộc da, người buôn hương liệu, người bán rau quả, anh đánh xe, chị vú em, ông thợ may, bà lão nghễnh ngãng vô công rồi nghề và hàng trăm đứa trẻ không phải đến trường vui mừng tề tựu trên những vuông gạch lát cũ kỹ để chờ đợi một thứ gì đó phấn khích hơn ngày thường.

Vô phúc cho một kẻ được quy là trụy lạc hay phù thủy mà bị bêu ra giữa Plaza Mayor. Anh ta hoặc cô ta sẽ được hứng trọn những lời chửi rủa và gạch đá cả từ dưới sân lẫn trên ba tầng ban công kia. Ừ thì, ban công đâu chỉ là chỗ tỉnh tò của Romeo và Juliette dưới ánh trăng, nó còn là nơi người ta quan sát và soi mói nhau nữa.

ban cong duoi anh trang madrid
Plaza Mayor là một quảng trường đặc biệt vì nó khép kín và được bao bọc bởi bốn dãy nhà liền khối

Plaza Mayor, không biết sao, mang lại cho tôi trọn vẹn hình dung về một cuộc hành hình tinh thần đau đớn của đêm trường Trung cổ, dù quảng trường này được xây dựng từ cuối thế kỷ 16, khi mà nhân loại đã đi qua Trung cổ và bắt đầu bước vào thời kỳ Phục hưng.

ban cong duoi anh trang madrid
Một gian hàng ở chợ San Miguel tại Madrid

Có thể chăng vì những ban công đầy ám ảnh kia, vì sự khép kín của quảng trường, của những đôi mắt người vô hình đang bủa vây tứ phía từ trên cao, tầng tầng lớp lớp qua bao thế kỷ, mà không bất kỳ một quảng trường mở nào gợi lên cảm giác kỳ quặc tương tự. Nhưng cũng vì thế Plaza Mayor quả là một điểm đến hấp dẫn.

Những con phố bên ngoài mới cổ xưa làm sao, mà hai bên vỉa hè cũng đồng thời là hành lang của các tòa nhà cổ. Trong bóng tối âm u ấy, những tiệm buôn đồng thiếc, da thuộc, vải vóc… xưa kia đã biến mất, nhường chỗ cho các nhà hàng và tiệm đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Tôi đi như chạy dọc những con phố trải đá thoai thoải ấy, quá khứ vùn vụt hai bên, chẳng có thêm thời gian để mà ngắm nhìn vì còn phải đi cho kịp giờ đóng cửa của El Rastro.

ban cong duoi anh trang madrid
Hàng hóa được bán ở chợ San Miguel

Ngoài San Miguel là chợ trong nhà cổ nhất Madrid, nằm ngay bên ngoài quảng trường Mayor, thì tôi thấy trên mạng quảng cáo El Rastro là một trong những chợ ngoài trời cổ nhất châu Âu, nhưng chỉ mở cửa vào chủ nhật. Chúng tôi có ngày chủ nhật duy nhất ở Madrid, ngày chủ nhật may mắn, và trong lúc nhẩn nha ngồi chén Paella và Croquetas trong một nhà hàng trên đường Tesoro, tôi tranh thủ hỏi người phục vụ đường tới chợ El Rastro.

ban cong duoi anh trang madrid
Hàng hóa được bán ở chợ San Miguel

Gần đây thôi, nó nằm trên quảng trường Cascorro, nếu đi bộ thì chỉ 20 phút là đến nơi. Nhưng tôi e rằng… chợ sắp đóng cửa rồi. Ba giờ là người ta dọn hàng.

Tôi cuống quýt nhìn đồng hồ. Đã 2 giờ chiều rồi. Trên mạng, các du khách đi trước đã lờ đi chi tiết này. Tôi nuốt vội miếng tráng miệng cuối cùng rồi vội vã thanh toán, thông báo cho mọi người rằng ta chỉ còn 60 phút bao gồm cả chạy việt dã nữa để xem chợ cổ.

ban cong duoi anh trang madrid
Một góc chợ El Rastro

Ai nấy cuống cà kê cả lên. Trời bắt đầu đổ mưa lâm thâm. Xui hết biết. Buôn bán kiểu gì mà ba giờ đã dọn hàng chớ. Nhưng rồi tôi cũng nhìn thấy El Rastro, dù hơi thất vọng chút. Nó không có chút gì gợi lên từ “cổ” cả, vì toàn bán quần áo, giày ví made in China và chẳng khác nào một chợ trời dựng tạm bất kỳ trên thế giới.

ban cong duoi anh trang madrid
Những món hàng này ở chợ El Rastro chẳng khác… chợ đêm Việt Nam

Chính giữa quảng trường Cascorro có một người phụ nữ mặc bộ váy trắng viền đăng ten cổ xưa, với chiếc mũ tiểu thư cũng màu trắng và một chiếc ô đăng ten màu trắng như thánh nữ. Nàng ôm một bó hoa hồng nhựa màu đỏ với chiếc giỏ mây và tấm biển kêu gọi ủng hộ.

ban cong duoi anh trang madrid
Người phụ nữ mặc bộ váy trắng viền đăng ten cổ xưa tôi gặp ở chợ cổ El Rastro

Tôi đặt vào đó 1 Euro dù chẳng biết mình đang ủng hộ cho cái gì, nhưng có lẽ vì cô gái và bức tượng phía trên là thứ “cổ kính” nhất của khu chợ này, mà nếu không có họ, những thứ đồ tầm tầm sẽ khiến tôi ước gì hôm nay đừng là Chủ nhật.

Tôi đặt vé máy bay sao cho hạ cánh xuống Madrid đúng ngày thứ bảy chỉ là vì cái chợ El Rastro này đây. Dẫu sao tôi cũng mua được một chiếc váy trắng sợi thô để chuẩn bị cho chuyến đi sa mạc mấy ngày tới, một chiếc vòng cổ kiểu thổ dân rất phù hợp với váy và một vài thứ đồ lưu niệm tầm tầm khác.

ban cong duoi anh trang madrid
Một góc chợ El Rastro

Tức là El Rastro chỉ còn trên danh nghĩa, kiểu chợ phiên, còn lại thì các mặt hàng của thời đại đã đánh bay mọi truyền thống đi mất rồi.

Ừ thì tôi muốn sao chứ, người bán hàng phải đi ghệt da kiểu thế kỷ thứ 17 và đứng bán nồi niêu đồng thiếc, gàu nước giả da với lũ lừa thồ hàng thở phì phò chờ đợi như thời vua Felip II hay sao?

Theo Di Li/Thế giới điện ảnh

Similar Posts

Leave a Reply